Hôm 30/6, lực lượng an ninh Sudan đã sử dụng các biện pháp “mạnh tay” nhằm ngăn chặn các cuộc biểu tình lớn, khiến 9 người thiệt mạng, đánh dấu ngày chết chóc nhất của phong trào biểu tình kéo dài suốt nhiều tháng, nhằm phản đối cuộc đảo chính của quân đội hồi tháng 10 năm ngoái do Tư lệnh Abdel Fattah al-Burhan đứng đầu.
Trong những cuộc biểu tình gần đây, đám đông người biểu tình đã đốt lốp xe, lập rào chắn đường bằng gạch. Đáp lại, lực lượng an ninh Sudan đã liên tục bắn hơi cay và sử dụng vòi rồng công suất lớn nhằm giải tán đám đông biểu tình.
Những người biểu tình yêu cầu khôi phục quá trình chuyển tiếp sang chế độ dân sự đã được đưa ra sau cuộc đảo chính năm 2019, lật đổ nhà lãnh đạo chuyên quyền lâu năm Omar al-Bashir.
Theo các nhân viên y tế, số nạn nhân thiệt mạng vì bạo lực ở Sudan liên quan đến biểu tình đã lên tới 114 người kể từ cuộc đảo chính năm ngoái. Trường hợp tử vong mới nhất được ghi nhận hôm 3/7, khi một người biểu tình thiệt mạng vì bị thương nặng trong một cuộc biểu tình diễn ra ngày 16/6.
Cuộc đảo chính đã đẩy Sudan tiếp tục rơi vào tình trạng khủng hoảng cả về chính trị và kinh tế, khiến giá tiêu dùng tăng cao và tình trạng thiếu lương thực trở nên trầm trọng.
Các nhân chứng ngày 3/7 cho biết thêm rằng lực lượng an ninh được triển khai dày đặc trên các đường phố của thủ đô Khartoum, bao gồm cả xe quân đội, cũng như của Lực lượng phản ứng nhanh (RSF) - một đơn vị bán quân sự do Phó Tư lệnh Mohamed Hamdan Daglo chỉ huy.
Cộng đồng quốc tế đã lên án vụ đổ máu gần đây, với việc cơ quan nhân quyền của Liên hợp quốc hối thúc tiến hành một cuộc điều tra độc lập về vụ bạo lực hôm 30/6.