Một người phát ngôn của Thủ tướng Hamdok cho biết Thủ tướng Sudan đã gửi thư đề nghị LHQ và Mỹ hoà giải trong bối cảnh các cuộc cuộc đàm phán giữa 3 nước về vấn đề này bế tắc trong gần một thập kỷ qua.
Tháng trước, Sudan đã kêu gọi bộ tứ gồm LHQ, Mỹ, Liên minh châu Phi và Liên minh châu Âu hòa giải tranh chấp trên. Ai Cập ủng hộ đề xuất này, song Ethiopia phản đối. Ai Cập lo ngại GERD đe doạ nguồn cung cấp nước cho nước này, trong khi Sudan lo ngại các đập nước của nước này sẽ bị ảnh hưởng nếu Ethiopia tiến hành tích nước cho GERD trước khi đạt được một thoả thuận.
Hai quốc gia ở hạ nguồn sông Nile nói trên đã thúc giục Ethiopia ngừng tích nước cho đập GERD đến khi ký được một thoả thuận, song hồi tháng 7/2020, Addis Ababa thông báo đã hoàn thành mục tiêu tích nước năm đầu tiên cho GERD và sẽ tiến hành giai đoạn thứ hai vào tháng 7/2021 bất kể các bên liên quan có đạt được thỏa thuận hay không.
Kể từ khi được Ethiopia khởi công xây dựng cách đây một thập kỷ, GERD là nguồn gốc gây căng thẳng ở khu vực Sừng châu Phi. Nhiều vòng đàm phán giữa các nước liên quan đã diễn ra nhưng mâu thuẫn chưa được giải quyết. Ethiopia cho biết GERD rất quan trọng để đáp ứng nhu cầu năng lượng của 110 triệu người dân nước này.
Trong khi đó, Ai Cập phụ thuộc vào sông Nile cung cấp khoảng 97% lượng nước tưới tiêu nông nghiệp và sinh hoạt, do đó coi đập thủy điện này là mối đe doạ hiện hữu. Về phần mình, Sudan hy vọng dự án trên giúp điều tiết lũ lụt hằng năm, nhưng lo ngại các con đập của nước ngày, gồm Roseires và Merowe, sẽ bị tổn hại nếu không đạt được thoả thuận liên quan hoạt động của GERD.