Sự thống nhất mong manh của EU

Tại hội nghị thượng đỉnh ở Brussels ngày 26 - 27/10, 27 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã thông qua quan điểm chung về Trung Đông và tái khẳng định ủng hộ Ukraine, nhưng những vấn đề khó khăn vẫn đang chồng chất.

Chú thích ảnh
Các nhà lãnh đạo thảo luận tại hội nghị thượng đỉnh EU tại Brussels, Bỉ ngày 26/10. Ảnh: China Daily

Trước những biến động của thế giới, sức mạnh lớn nhất của châu Âu chính là tinh thần đoàn kết thể hiện qua tính thống nhất. Đây là một thách thức khi cần phải thống nhất toàn bộ 27 thành viên.

Một lần nữa, tại cuộc họp cấp cao châu Âu này, trong một chương trình nghị sự có nhiều tranh luận, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel có thể tự hào vì đã dẫn dắt được lãnh đạo các nước nhất trí với 32 kết luận trong tuyên bố chung.

Sau 5 giờ thảo luận hữu ích, các bên đã hình thành quan điểm chung. Theo Chủ tịch Hội đồng châu Âu, thực ra đó không phải là một cuộc tranh luận về quan điểm mà là trao đổi, đôi khi là về những vấn đề rất cụ thể và thực tế như tình hình nhân đạo, nhưng cũng bao gồm các cuộc thảo luận về tiến trình hòa bình.

Tuy nhiên, những điều khác nhau đã thể hiện ngay khi các vị lãnh đạo ra khỏi phòng họp và tiến hành các cuộc họp báo riêng.

Mặc dù có sự đồng thuận về vấn đề Ukraine, nhưng EU đạt được rất ít tiến bộ trong thực hiện các lời hứa về tài chính. Không có gói hỗ trợ quân sự hàng tỷ USD được công bố thông qua Cơ sở Hòa bình châu Âu cũng như khoản 50 tỷ USD đã hứa dành cho Kiev dưới hình thức cho vay và trợ cấp.

Tất nhiên, các nhà lãnh đạo đã tái khẳng định danh sách dài các cam kết, từ lời hứa sẽ giải quyết tài sản Nga bị đóng băng đến trách nhiệm điều tra tội ác chiến tranh.

Bốn trong số 11 trang kết luận của hội nghị đề cập đến vấn đề Ukraine và được đặt trên đầu của tuyên bố hội nghị. Đây dường như là một cách để thể hiện quyết tâm của châu Âu là làm tan biến hy vọng của Nga rằng xung đột ở Trung Đông sẽ làm lu mờ cuộc chiến ở Ukraine.

Cuộc gặp giữa Thủ tướng Hungary Viktor Orban và Tổng thống Nga Vladimir Putin hay việc Thủ thướng Slovakia tuyên bố chấm dứt cung cấp vũ khí cho Ukraine đã không đủ sức lay chuyển EU. Thủ tướng Hungary cuối cùng ủng hộ các đợt viện trợ tiếp theo cho Kiev.

Tuy nhiên, chỉ có phần ngân sách dành cho Ukraine nhận được sự đồng thuận tương đối, còn các ưu tiên khác đều gây chia rẽ. Ví dụ, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã khẳng định việc Đức phải cắt giảm ngân sách quốc gia là không thể chấp nhận được.

Một nhà ngoại giao thừa nhận rằng về vấn cải cách các quy định ngân sách, cuộc đàm phán không đạt được thành công.

Các vấn đề trên diễn ra khi chỉ còn chưa đầy 7 tuần nữa là đến hội nghị thượng đỉnh châu Âu cuối cùng của năm 2023 vào tháng 12 tới - thời điểm EU phải đưa ra quyết định mở các cuộc đàm phán để kết nạp Ukraine và Moldova.

Có rất nhiều vấn đề quan trọng đối với châu Âu nhưng các thành viên lại chỉ thống nhất một cách hời hợt, mong manh. Điều cốt lõi đối với EU, như lời Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel nói: “Chúng ta không phải là hội đồng thành phố, nơi mà một dự án nhỏ nhất cũng cần đa số phiếu để chống phe đối lập. Ở đây, chúng ta phải tìm được sự thống nhất".

Hương Giang (P/v TTXVN tại Brussels)
EU tìm cách tập trung vào Ukraine trong bối cảnh bất ổn ở Trung Đông
EU tìm cách tập trung vào Ukraine trong bối cảnh bất ổn ở Trung Đông

Cuộc thảo luận về Ukraine bị đẩy sang ngày thứ hai của hội nghị thượng đỉnh EU, sau khi ngày đầu tiên khối này tập trung thống nhất quan điểm về cuộc xung đột Israel - Hamas.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN