Giới đầu tư đang mong đợi trong tuyệt vọng một tín hiệu cụ thể từ Bắc Kinh về việc có sẵn sàng ra tay can thiệp đễ hỗ trợ Evergrande – tập đoàn bất động sản lớn thứ hai tại Trung Quốc, vượt qua khủng hoảng tài chính hiện nay hay không. Giới đầu tư toàn cầu dường như đồng thuận ở một điểm: Tuy không ủng hộ gói vay toàn diện mà Evergrande đưa ra, nhưng chính quyền Trung Quốc sẽ không để xảy ra một thảm kịch kiểu như Lehman Brothers hồi năm 2008 ở Mỹ và gây rúng động toàn cầu.
Nhiều chuyên gia nước ngoài đồn đoán Bắc Kinh đã sẵn sàng đưa ra một kế hoạch tái cấu trúc tài chính, gọi là “vỡ nợ có kiểm soát” đối với sự sụp đổ của Evergrande. Mục đích chính là để giảm thiểu tác động thiệt hại đối với các công ty bất động sản khác của Trung Quốc, tránh bong bóng đầu cơ trên thị trường nhà đất ở đại lục và xóa đi viễn cảnh ác mộng về “tác động lây nhiễm” của Evergrande đối với toàn bộ hệ thống tài chính toàn cầu.
Với các nhà đầu tư trên Phố Wall hay sàn chứng khoán Hong Kong, suy tính thông thường sẽ là: Một khi nhà chức trách cho phép Evergrande phá sản, họ sẽ phải hành động để bảo vệ người tiêu dùng nội địa đã bỏ tiền ra mua nhà, căn hộ của Evergrande, cũng như những nhà đầu tư nhỏ, nhà thầu xây dựng và có thể là cả nhân viên của Evergrande.
Nhưng các nhà đầu tư lớn, đặc biệt là nhà đầu tư hải ngoại, có khả năng sẽ không được may mắn như vậy. Những cổ đông của Evergrande đứng trước nguy cơ mất toàn bộ tiền đầu tư vào tập đoàn này, trong khi các ngân hàng, những trái chủ nắm giữ trái phiếu của Evergrande, có thể đối diện với kịch bản gần như mất trắng. Số này vẫn nuôi hy vọng về thông tin tốt lành, lạc quan: Một thể chế chính trị theo đường hướng tập quyền như Trung Quốc sẽ có quyết định mạnh mẽ, quyết đoán.
Có thể là như vậy. Nhưng quan chức Trung Quốc có kế hoạch xử lý quả bom nổ chậm Evergrande cho đến lúc này chưa một lần lên tiếng, ngay cả khi tập đoàn này chuẩn tiến sát đến ngưỡng đổ vỡ theo một đợt thanh toán nợ thời hạn chót ngày 23/9. Đó là quãng ngày nghỉ lễ, nhưng đáng lo ngại là không có bất kỳ định hướng, thông tin chính thức nào được đăng tải trên truyền thông nhà nước Trung Quốc về trường hợp của Evergrande. Sự im lặng bắt đầu khiến giới đầu tư kinh hãi.
Trong phiên giao dịch trên thị trường chứng khoán Hong Kong ngày 22/9, cổ phiếu của Evergrande giảm giá 7%, tiếp sau phiên giảm 10% trước đó một ngày. Tính kể từ đầu năm đến nay, cổ phiếu của ông trùm bất động sản một thời tại Trung Quốc đã mất 85% giá trị. Vài ngày qua, lo ngại về kịch bản Evergrande sụp đổ cũng khiến nhiều công ty, bất động sản Trung Quốc có mức nợ lớn bị vạ lây. Cổ phiếu của China Vanke, Country Garden Holdings hay Sunac đều rớt giá.
Nhà điều hành Trung Quốc hiện đang phải đối diện với tình thế lưỡng nan về “rủi ro đạo đức”. Họ vừa phải tìm ra cách thức để trấn an các rúng động tài chính toàn cầu có thể khởi nguồn từ Evergrande, kiểm soát bất ổn xã hội đến từ những khách hàng đã chót bỏ tiền ra mua căn hộ của Evergrande. Nhưng họ cũng phải thực thi mục tiêu này theo cách thức không được phép nuông chiều thói cho vay và đầu tư mang nặng tính đầu cơ. Nhà sáng lập Evergrande Hui Ka Yan chính là một trường hợp cần phải “chấn chỉnh” theo diện này.
Evergrande đang phải gánh khoản nợ lên đến 300 tỉ USD, nhưng Hui Ka Yan vẫn cố tìm cách gỡ thể diện. Trong lá thư gửi tới nhân viên của tập đoàn, ông cam kết sẽ đưa Evergrande sớm thoát khỏi “thời khắc đen tối nhất” để nối lại hoạt động xây dựng tại nhiều dự án bất động sản bị đắp chiếu.