Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) vừa bơm khoảng 90 tỷ nhân dân tệ (hơn 14 tỷ USD) vào hệ thống tài chính nước này. Đây là động thái bơm tiền lớn nhất của PBoC kể từ tháng 2 đến nay.
Theo các chuyên gia, việc Trung Quốc bơm thêm tiền vào hệ thống ngân hàng của mình là một dấu hiệu cho thấy các nhà chức trách đang tìm cách ngăn chặn nguồn vốn bị siết chặt trong bối cảnh nhu cầu thanh khoản tăng cao của các ngân hàng vào cuối quý 3 và cuộc khủng hoảng nợ ngày càng trầm trọng tại tập đoàn bất động sản China Evergrande.
Ngày 17/9 là lần đầu tiên trong tháng này PboC bổ sung hơn 10 tỷ nhân dân tệ thanh khoản ngắn hạn vào hệ thống ngân hàng chỉ trong một ngày.
Động thái này diễn ra trong bối cảnh Tập đoàn bất động sản lớn số 2 Trung Quốc Evergrande gặp khó khăn khiến các nhà đầu tư lo ngại về “sức khỏe” của thị trường bất động sản và tín dụng. Thêm vào đó là nhu cầu tiền mặt tăng đột biến theo mùa do các ngân hàng do dự cho vay vào cuối quý 3 trước đợt kiểm toán thường kỳ. Thanh khoản cũng có xu hướng giảm vào thời điểm này trong năm trước kỳ nghỉ Quốc khánh Trung Quốc kéo dài một tuần vào đầu tháng 10.
Các nhà kinh tế tại Societe Generale SA do chuyên gia Wei Yao dẫn đầu đã viết trong một lưu ý: “Tránh tình trạng siết chặt thanh khoản mang tính hệ thống là ưu tiên tuyệt đối đối với PBoC và họ có phương tiện để làm như vậy. Một cuộc suy thoái thị trường tài chính kiểu Lehman không phải là mối quan tâm hàng đầu của chúng tôi, nhưng một cuộc suy thoái kinh tế kéo dài và nghiêm trọng dường như có nguy cơ xảy ra hơn”.
Nỗi lo về cuộc khủng hoảng Evergrande xảy ra vào thời điểm nền kinh tế Trung Quốc đang chậm lại. Các biện pháp kiểm soát đi lại nghiêm ngặt phòng dịch COVID-19 đã làm tổn hại đến chi tiêu bán lẻ và hoạt động đi lại, trong khi các biện pháp hạ nhiệt giá bất động sản cũng đã gây ra nhiều thiệt hại. Hôm 15/9, Trung Quốc đã báo cáo sự sụt giảm mạnh hơn dự kiến trong doanh số bán lẻ tháng 8, đi kèm là mức tăng trưởng yếu hơn trong sản xuất công nghiệp và đầu tư vào tài sản cố định.
PBoC hiện đang tìm cách cân bằng giữa việc kích thích nền kinh tế và đảm bảo rằng việc bơm tiền mặt của họ không dẫn đến bong bóng tài sản. Kể từ tháng 7, Ngân hàng này đã hạn chế bổ sung thêm thanh khoản trung hạn khi các khoản vay chính sách đến hạn.
"Tình hình Evergrande và những tác động của vụ việc đối với thị trường bất động sản rộng lớn được cho là sẽ có tác động trực tiếp lớn hơn đến tăng trưởng của Trung Quốc so với bất kỳ cuộc siết chặt về chính sách nào khác”, ông Alvin Tan, người đứng đầu chiến lược ngoại hối châu Á tại Ngân hàng Hoàng gia Canada cho biết và bổ sung: "Tôi sẽ không ngạc nhiên khi PBoC hành động để ngăn chặn thất thoát trên thị trường tiền tệ”.
Tình hình bất ổn của Evergrande đang thúc đẩy các nhà quan sát dự báo những tình huống xấu nhất có thể xảy ra. Fitch Ratings cảnh báo nhiều ngành có thể gặp rủi ro tín dụng nếu Evergrande vỡ nợ. Công ty cho biết các ngân hàng nhỏ hơn và các nhà phát triển bất động sản nhỏ sẽ bị tổn thương nhiều nhất.
Với hơn 300 tỷ USD nợ phải trả, căng thẳng thanh khoản của Evergrande đang gây ra những lo lắng về ngành bất động sản rộng lớn hơn của Trung Quốc. Cả Morgan Stanley và Goldman Sachs đều cắt giảm dự báo cho ngành này với lý do nguy cơ Evergrande vỡ nợ sẽ ảnh hưởng đến các nhà cung cấp, các nhà phát triển địa ốc khác và thị trường tài chính.