Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cho biết các hoạt động nhiên liệu hóa thạch trên toàn cầu đã phát thải khoảng 120 triệu tấn khí gây hiệu ứng nhà kính trong năm 2020 và gần 1/3 lượng khí phát thải methane do hoạt động của con người.
Nghiên cứu mới chưa được kiểm chứng xác định cơ sở khai thác và sản xuất dầu khí trên Vịnh Mexico đã phát thải khoảng 40.000 tấn khí methane trong suốt 17 ngày hồi tháng 12/2021. Cơ sở gần Campeche ở miền Nam Mexico là một trong những nhà máy lọc dầu lớn nhất nước này.
Theo Giáo sư Luis Guanter, thuộc Đại học Bách khoa Valencia (Tây Ban Nha), kết quả nghiên cứu cho thấy vệ tinh có thể phát hiện khí methane từ các cơ sở hạ tầng ngoài khơi, giúp giám sát có hệ thống khí thải công nghiệp từ các giàn khoan riêng lẻ ngoài khơi.
Các phương pháp sử dụng vệ tinh để phát hiện khí methane rò rỉ trên đất liền đã được phát triển nhanh chóng trong những năm qua. Tuy nhiên, việc sử dụng dữ liệu vệ tinh để tìm ra các phương pháp phát hiện khí methane ở ngoài khơi, vốn chiếm khoảng 30% sản lượng toàn cầu, vẫn còn hạn chế. Do đó, Giáo sư Guanter và đồng nghiệp đã nỗ lực đưa ra phương pháp mới, đo bức xạ Mặt Trời phản chiếu từ bề mặt nước.
Khí methane là nguyên nhân khiến nhiệt độ toàn cầu tăng khoảng 30%. Khí methane chỉ tồn tại trong khí quyển chỉ một thập niên, ít hơn nhiều so với thời gian tồn tại hàng trăm hoặc hàng nghìn năm đối với CO2. Việc giảm mạnh lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính có thể góp phần kiềm chế sự ấm lên của Trái Đất. Tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (COP26), hơn 100 quốc gia đã nhất trí tuân thủ Cam kết giảm khí methane toàn cầu để giảm 30% lượng khí thải vào năm 2030.
Nghiên cứu vừa được đăng trên tạp chí chuyên ngành Environmental Science and Technology Letters.