Theo hãng tin Reuters, phát biểu tại một cuộc họp báo ngày 22/2, Chủ tịch Cơ quan An toàn Giao thông Quốc gia Mỹ (NTSB) cho biết hiện vẫn chưa rõ sự cố cháy động cơ PW4000 ngay sau khi máy bay Boeing 777 cất cánh có cùng nguyên do dẫn tới sự cố hỏng động cơ trên chuyến bay tới Hawaii vào tháng 2/2018 hay không. Trong sự cố cách đây 3 năm, cánh quạt trong động cơ cũng xảy ra hiện tượng đứt gãy.
Cánh quạt của chiếc Boeing 777 hãng Unites Airlines sẽ được đưa tới phòng thí nghiệm Pratt & Whitney để kiểm tra kĩ lưỡng hơn.
Ngày 20/2, chiếc Boeing 777-200 của hãng hàng không United Airlines chở 231 hành khách và 10 thành viên phi hành đoàn bị hỏng động cơ không lâu sau khi cất cánh từ sân bay Denver đến Honolulu (Hawaii). Máy bay đã hạ cánh an toàn và không hành khách nào thương vong.
Video động cơ ngùn ngụt lửa cháy khi đang bay trên không trung (nguồn: Bloomberg):
United Airlines là hãng hàng không Mỹ duy nhất khai thác máy bay Boeing dùng động cơ PW4000, ngoài ra một số hãng hàng không tại Nhật Bản và Hàn Quốc cũng sử dụng dòng máy bay này.
Ngay sau khi xảy ra sự cố, Boeing đã cho tạm dừng hoạt động toàn bộ 128 máy bay dòng 777, cũng như các hãng hàng không Hàn Quốc, Nhật Bản ngưng khai thác loại máy bay này.
"Mỏi kim loại" là thuật ngữ chuyên ngành để chỉ hiện tượng cấu trúc kim loại đã mất đi độ bền do sử dụng liên tục. Nếu như hiện tượng "mệt mỏi" tiếp diễn cho tới khi vượt quá khả năng chịu lực giãn, lực va chạm hay sự bào mòn của kim loại thì kết quả cuối cùng là sẽ xảy ra đứt gãy.