Đây là những động thái mới nhất của Hàn Quốc sau khi nhiều hãng hàng không của Mỹ và Nhật Bản đã có quyết định tương tự.
Trước đó, ngày 20/2, máy bay Boeing 777-200 của hãng hàng không United Airlines chở 231 hành khách và 10 thành viên phi hành đoàn bị hỏng động cơ không lâu sau khi cất cánh từ sân bay Denver đến Honolulu (Hawaii). Máy bay đã hạ cánh an toàn và không hành khách nào thương vong.
Korean Air đang vận hành 6 trong số 16 chiếc B777 cùng loại với chiếc gặp sự cố động cơ, trên các tuyến bay tới Nhật Bản và các nước Đông Nam Á, trong khi Asiana Airlines sử dụng 7 trong 9 chiếc B777 của mình cho các chặng bay ngắn và trung.
Người phát ngôn Korean Air cho biết: "Chúng tôi đang tham vấn với Boeing và Bộ Vận tải về việc ngừng sử dụng các máy bay trên. Không có khuyến cáo từ các cơ quan chức năng về việc sử dụng loại máy bay này".
Trong khi đó, Jin Air, một công ty con của Korean Air đang vận hành 4 chiếc B777 cho các tuyến bay nội địa, cho biết cũng đang chờ khuyến cáo từ bộ trên.
Tại Mỹ, ngay sau sự cố, hãng hàng không United Airlines ra thông báo nêu rõ sẽ tạm dừng khai thác ngay lập tức tất cả 24 máy bay Boeing 777 sử dụng loại động cơ PW4000 và sẽ tiếp tục thảo luận với các cơ quan quản lý Mỹ để “xác định các bước bổ sung cần thiết để đảm bảo những chiếc máy bay này đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn nghiêm ngặt và có thể đưa vào khai thác trở lại”.
Nhật Bản cũng đã yêu cầu các hãng hàng không nước này tạm dừng hoạt động các máy bay có trang bị động cơ PW4000. Hai hãng hàng không Japan Airlines (JAL) và All Nippon Airways (ANA) đã dừng bay 32 chiếc máy bay sử dụng loại động cơ trên, trong đó JAL dừng bay 13 chiếc và ANA dừng bay 19 chiếc.
Ngày 21/2, tập đoàn sản xuất máy bay Boeing đã ra khuyến nghị tạm dừng khai thác 128 chiếc máy bay B777 trên toàn thế giới cho đến khi FAA đưa ra bản hướng dẫn kiểm tra.