Phát biểu trước báo giới, người phát ngôn Nội các Bandula Gunawardena nêu rõ chính phủ nước này hồi tháng 6 đã quyết định đóng cửa các cơ quan chính phủ vào mỗi thứ 6 hằng tuần do thiếu nhiên liệu khiến người dân gặp khó khăn trong việc di chuyển tới các địa điểm làm việc.
Tuy nhiên, các phương tiện giao thông công cộng đang hoạt động bình thường trở lại. Ủy ban Giao thông Sri Lanka thuộc sở hữu nhà nước đã triển khai 800 xe buýt nhằm nâng cao năng lực vận tải. Hiện nay, các chuyến tàu hỏa cũng đã nối lại hoạt động. Tình trạng người dân phải xếp hàng đổ xăng cũng đã giảm bớt.
Trong diễn biến cùng ngày, Chính phủ Sri Lanka đã đưa ra ưu đãi, theo đó cho phép người dân của quốc gia Nam Á này đang làm việc, lao động tại nước ngoài được mua xe điện miễn thuế nhằm khuyến khích họ gửi tiền về nước cũng như nhằm tăng nguồn dự trữ ngoại hối đang cạn kiệt.
Phát biểu trước báo giới, Bộ trưởng Lao động nước ngoài Manusha Nanayakkara nhấn mạnh: "Chính phủ Sri Lanka đang đưa ra ưu đãi chưa từng có để khuyến khích kiều bào gửi ngoại hối về nước thông qua hệ thống ngân hàng hợp pháp". Tuy nhiên, công dân Sri Lanka đang làm việc tại nước ngoài sẽ chỉ có thể sử dụng một nửa số tiền họ chuyển về để mua sắm, với mức chi tiêu tối đa có thể là 65.000 USD. Trong khi đó, những người gửi về nước số tiền nhỏ hơn có thể mua đồ gia dụng miễn thuế tại sân bay.
Hiện có trên 2 triệu công dân Sri Lanka đang làm việc ở nước ngoài. Theo chính sác ưu đãi trên, họ sẽ được miễn lệnh cấm và được miễn thuế khi mua ô tô điện và xe máy điện mang về nước. Trước khi có lệnh cấm nhập khẩu xe vào tháng 3/2020 khi đại dịch COVID-19 bắt đầu tác động tới nền kinh tế của đảo quốc này, các mức đánh thuế dao động từ khoảng 5.000 USD đến gần 50.000 USD, tùy thuộc vào từng mẫu xe.