Theo ông Jayasumana, Bộ Y tế đã tìm kiếm sự giúp đỡ từ các tổ chức, chuyên gia nhằm giúp giải quyết tình trạng thiếu thuốc men và trang thiết bị y tế. Chính phủ Sri Lanka hiện đang trông chờ vào nguồn viện trợ từ các quốc gia khác, cũng như Ngân hàng Thế giới (WB) và Liên hợp quốc. Bộ trưởng Jayasumana nói: "Quá trình này cần khoảng 90 ngày".
Sri Lanka đang lâm vào cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng nhất kể từ khi giành độc lập vào năm 1948. Các cuộc biểu tình quy mô lớn đã xảy ra trong những tuần gần đây khi Sri Lanka rơi vào tình trạng thiếu lương thực, giá nhiên liệu tăng vọt và cắt điện trên diện rộng do cuộc khủng hoảng tài chính chưa từng có này.
Để nhanh chóng giải quyết tình trạng khan hiếm nhiên liệu và các nhu yếu phẩm khác, giới chức Sri Lanka đang nỗ lực thúc đẩy các cuộc thảo luận với đại diện Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) về một chương trình cho vay khẩn cấp.
Chính phủ Sri Lanka đã quyết định đình chỉ việc trả một số khoản nợ nước ngoài trong khi chờ một chương trình tái cơ cấu nợ có trật tự và được sự đồng thuận của IMF.
Cùng ngày, hàng nghìn sinh viên đại học ở Sri Lanka đã kéo tới nhà Thủ tướng Mahinda Rajapaksa, yêu cầu ông từ chức liên quan tới cuộc khủng hoảng kinh tế ngày càng nghiêm trọng ở nước này. Cảnh sát cho biết ông Mahinda không ở nhà thời điểm đó và đám đông đã giải tán một cách hòa bình.