Sôi sục “thùng thuốc súng” Caucasus

Nguy cơ tái hiện cuộc chiến tranh tàn khốc hơn 20 năm trước tại Nagorny Karabakh đang trở nên rõ rệt hơn bao giờ hết khi giao tranh bùng phát dữ dội giữa các bên xung đột tại đây, không chỉ cướp đi sinh mạng của hơn 40 người mà còn đe dọa an ninh toàn bộ khu vực Kavkaz vốn tồn tại nhiều bất ổn.

Nhà cửa bị phá hủy trong cuộc giao tranh tại khu vực Stepanakert, Nagorny Karabakh ngày 6/4. Ảnh: AFP/TTXVN

Nguồn gốc xung đột

Không phải ngẫu nhiên mà cuộc xung đột tại khu vực tranh chấp Nagorny Karabakh giữa Armenia và Azerbaijan lâu nay luôn được coi là “dây cháy chậm” trong “thùng thuốc súng” Kavkaz, bởi dù một thỏa thuận ngừng bắn đã được thiết lập tại đây từ tháng 5/1994 sau cuộc chiến tàn khốc kéo dài 6 năm giữa hai nước làm 30.000 người thiệt mạng và hàng triệu người phải đi lánh nạn, song mâu thuẫn tiềm ẩn chưa được giải quyết triệt để vẫn âm ỉ, đe dọa bùng nổ bất kỳ lúc nào.

Tranh chấp giữa hai nước láng giềng Armenia và Azerbaijan tại vùng lãnh thổ này bắt nguồn từ xa xưa và xuất phát từ rất nhiều nguyên nhân, kể cả xung đột sắc tộc, khác biệt tôn giáo, lợi ích chính trị, tranh chấp lãnh thổ lẫn kinh tế. Dưới thời Liên Xô, dù Nagorny Karabakh là một tỉnh tự trị của nước CHXHCH Xôviết Azerbaijan, song người Armenia vẫn coi đây là mảnh đất của tổ tiên họ.

Trên thực tế, đa số người dân tại đây là người gốc Armenia, nên dù thuộc thành phần Azerbaijan - một quốc gia Hồi giáo, song người dân Nagorny Karabakh lại theo Thiên chúa giáo như ở Armenia, và gắn bó với Yerevan. Mâu thuẫn giữa hai nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ này lên đến đỉnh điểm vào cuối những năm 1980 của thế kỷ trước khi cơ quan lập pháp tỉnh tự trị Nagorny Karabakh tiến hành bỏ phiếu ủng hộ việc ly khai khỏi Azerbaijan để sáp nhập vào Armenia.

Phía Azerbaijan kiên quyết bác bỏ việc sáp nhập, trong khi Armenia lên tiếng đòi chủ quyền đối với Nagorny Karabakh. Điều này đã gây ra cuộc chiến tranh giữa hai nước kéo dài. Đến tháng 5/1994, các bên xung đột đạt được thỏa thuận ngừng bắn do Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) làm trung gian.

Tuy nhiên, bất chấp thỏa thuận ngừng bắn và nhiều cuộc đàm phán hòa bình sau đó với sự trung gian của "Nhóm Minsk" thuộc OSCE - do Nga, Pháp và Mỹ làm đồng chủ tịch - các vụ xung đột lẻ tẻ vẫn thường xuyên xảy ra tại Nagorny Karabakh. Thậm chí, các vụ đấu pháo giữa quân đội hai nước qua khu vực ranh giới ở Nagorny Karabakh trong vài năm gần đây gây không ít thương vong cho dân thường.

Trong khi đó, các cuộc đàm phán nhằm tìm ra quy chế cho vùng lãnh thổ tranh chấp này đến nay vẫn bế tắc bởi cả hai bên đều không chấp nhận các phương án được đề xuất và cũng không bên nào chịu nhượng bộ. Về phần mình, vùng lãnh thổ Nagorny Karabakh đã ly khai khỏi Azerbaijan, tự tuyên bố độc lập dù không được cộng đồng quốc tế công nhận. Armenia, dù không công khai ủng hộ Nagorny Karabakh độc lập, song vẫn “hậu thuẫn” cho vùng lãnh thổ này.

Nguy cơ khó lường

Cuộc xung đột lần này bùng phát trở lại trong bối cảnh tình hình an ninh ở châu Âu nói riêng và toàn thế giới nói chung bất ổn, gây quan ngại cho các nước không chỉ trong khu vực mà cả cộng đồng quốc tế. Trước đây, xung đột tại Nagorny Karabakh chỉ đơn thuần là xung đột sắc tộc, tôn giáo và chủ quyền, thì hiện nay hệ quả của sự căng thẳng leo thang tại khu vực này có thể sẽ lớn hơn rất nhiều và trở thành một vấn đề nghiêm trọng đối với châu Âu do liên quan đến lợi ích chung.

Mối quan ngại lớn nhất đối với châu Âu cũng như cộng đồng thế giới là khu vực tranh chấp Nagorny Karabakh nằm rất gần với khu vực mà lực lượng khủng bố tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng kiểm soát. Do nằm ở khu vực Kavkaz, ranh giới giữa châu Âu và châu Á có đa số người Hồi giáo sinh sống, từ nhiều năm qua, đây cũng là một trong những “điểm nóng”, là địa bàn hoạt động của các nhóm ly khai cực đoan cũng như các tổ chức khủng bố.

Cuộc xung đột bùng phát tại Nagorny Karabakh đang tạo ra lỗ hổng an ninh lớn, các phần tử khủng bố có thể lợi dụng tình hình hỗn loạn để thực hiện các cuộc tấn công khủng bố, trước hết vào Nga và xa hơn nữa là các nước châu Âu. Tình trạng bất ổn tại đây có thể dẫn đến những hậu quả khó lường cho an ninh khu vực, đặc biệt trong bối cảnh châu Âu đang phải đối mặt với nhiều vấn đề "đau đầu" như khủng hoảng di cư, chống khủng bố.

Đáng lo ngại hơn, những cường quốc lớn và các nước trong khu vực như Nga và Thổ Nhĩ Kỳ có thể bị lôi cuốn vào cuộc xung đột. Thổ Nhĩ Kỳ, vốn lâu nay có quan hệ thân thiết với Azerbaijan do những căng thẳng với Armenia liên quan vấn đề thảm sát người Armenia dưới thời Đế chế Ottoman (tiền thân của nước Thổ Nhĩ Kỳ hiện đại) đã công khai tuyên bố ủng hộ Baku trong cuộc xung đột tại Nagorny Karabakh. Thổ Nhĩ Kỳ và Azerbaijan đã ký Hiệp định Đối tác chiến lược và tương trợ lẫn nhau, trong đó quy định mỗi bên sẽ hỗ trợ và sử dụng “mọi công cụ có thể” trong trường hợp bên kia bị tấn công hay xâm lược.

Trong khi đó, căng thẳng giữa Armenia và Azerbaijan cũng khiến Nga đặc biệt lo ngại khi mà Moskva đang phải đối mặt với làn sóng bạo lực cực đoan tại các nước cộng hòa trực thuộc ở Kavkaz như Tresnia hay Daghestan. Lâu nay, Nga vẫn duy trì mối quan hệ thân thiết với cả Armenia hay Azerbaijan. Ngoài yếu tố lịch sử là quan hệ từ thời Liên Xô trước đây và nay là Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG), Armenia còn là một thành viên của Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAEU - gồm Nga, Belarus, Kazakhstan, Armenia, Kyrgyzstan) do Nga đóng vai trò chủ đạo.

Nga cũng đặt các căn cứ quân sự của mình tại tỉnh Gyumri và Erebuni tại Armenia, trong khi Azerbaijan là một bạn hàng lớn, là đối tác nhập khẩu vũ khí mới của Nga. Quan hệ căng thẳng giữa hai quốc gia này chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới Nga. Hơn thế nữa, trong bối cảnh quan hệ giữa Nga với một quốc gia Kavkaz khác là Gruzia luôn căng thẳng kể từ sau "cuộc chiến 5 ngày" hồi tháng 8/2008, mọi xích mích với Armenia và Azerbaijan đều không phải là "kịch bản" Moskva mong muốn. Xung đột Nagorny Karabakh nếu leo thang còn có thể là "tiền đề" cho những mâu thuẫn âm ỉ lâu nay tại những "điểm nóng" ly khai khác trong khu vực như Nam Osetia, Abkhazia... kéo theo những hậu quả nghiêm trọng.

Liên minh châu Âu (EU) cũng có lý do để lo ngại bởi ngoài yếu tố an ninh, khu vực Kazkav từ lâu đã có tầm quan trọng về năng lượng và địa chính trị ngày càng lớn. Trong bối cảnh thường xuyên xảy ra “cuộc chiến khí đốt” với Nga, EU hiện coi "Hành lang khí đốt phía Nam" và đường ống dẫn khí Azerbaijan-Gruzia-Thổ Nhĩ Kỳ có vai trò quan trọng sống còn đối với an ninh năng lượng của "lục địa già". Trong trường hợp xung đột tại Nagorny Karabakh kéo dài, cả hai tuyến vận tải năng lượng triển vọng này sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, có thể làm mất an ninh năng lượng của châu Âu.

Trước nguy cơ xung đột tại Nagorny Karabakh có thể biến khu vực Nam Kavkaz trở thành điểm rắc rối tiếp theo đối với an ninh châu Âu, lãnh đạo cấp cao các nước đều đã lên tiếng kêu gọi các bên giao tranh kiềm chế, không sử dụng vũ lực và tiến hành đối thoại nhằm tìm kiếm giải pháp hòa bình. Nga, Đức, EU cũng như OSCE hay Ủy ban chữ Thập đỏ quốc tế (ICRC) tuyên bố sẵn sàng làm trung gian hòa giải cho cuộc xung đột.

Cho tới nay, các bên xung đột đã tạm thời tuyên bố ngừng bắn, các nước và OSCE cũng đã vào cuộc với các nỗ lực ngoại giao con thoi nhằm ngăn chặn bạo lực leo thang. Tuy nhiên, việc Azerbaijan và Armenia thường xuyên cáo buộc lẫn nhau vi phạm thỏa thuận ngừng bắn cho thấy các bên thực sự vẫn chưa xây dựng được lòng tin để có thể ngồi vào bàn đàm phán. Thậm chí, không ít ý kiến cho rằng đang có “những bên thứ ba” tìm cách kích động mâu thuẫn trong khu vực vì những lợi ích riêng.

C uộc xung đột Nagorny Karabakh vẫn đang hết sức gay gắt và tiềm ẩn nhiều bất trắc khó lường. Nếu các bên xung đột không có thiện chí cùng tháo gỡ ngòi nổ và cộng đồng quốc tế không tìm ra được một cơ chế để giải quyết vấn đề Nagorny Karabakh thì tình hình sẽ trở nên nguy hiểm, ảnh hưởng tới an ninh và ổn định không chỉ ở Kavkaz mà cả “lục địa già”.

Trần Quyên (TTXVN)
Nga, Armenia thảo luận tình hình Nagorny-Karabakh
Nga, Armenia thảo luận tình hình Nagorny-Karabakh

Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev và người đồng cấp Armenia Hovik Abrahamyan hôm 5/4 đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về sự bùng phát những hành động thù địch ở khu vực Nagorny Karabakh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN