Chiến sự tái diễn hôm 2/4, với việc quân đội hai nước sử dụng thiết giáp, súng cối cùng nhiều loại vũ khí hạng nặng như xe tăng, trực thăng, pháo phản lực đa nòng trong các đợt giao tranh. 46 người thiệt mạng chỉ sau 3 ngày đấu súng và tác động lan tỏa tới khu vực cũng đã bắt đầu được nhắc tới. Armenia là một trong những đồng minh thân cận nhất của Nga, còn Azerbaijan thì ngay lập tức có được sự hậu thuẫn của Thổ Nhĩ Kỳ. Khi mà quan hệ Moskva – Ankara chưa có dấu hiệu cải thiện sau sự cố Su-24 của Nga bị bắn hạ hôm 24/11/2015, xung đột ở Nagorny-Karabakh tiềm ẩn các hệ quả địa chính trị lớn hơn nhiều so với thời kỳ trước đây.
Xung đột ở Nagorny-Karabakh không đem lại lợi ích cho Nga. Ảnh: EPA |
Không quá khi nói rằng Armenia luôn được Nga chống lưng mạnh mẽ. Một quan chức trong chính quyền tự xưng ở Karabakh từng tiết lộ cả “Cộng hòa tự xưng” Nagorny-Karabakh lẫn Armenia đều không thể trụ vững được trong cuộc chiến với Azerbaijan nếu không có sự ủng hộ của Moskva. Năm 2014, Armenia gia nhập Liên minh kinh tế Á-Âu do Nga khởi xướng, cùng với các thành viên khác là Belarus và Kazakhstan. Học thuyết quân sự của nước này nêu quan điểm Nga là người bảo trợ an ninh. Vài năm gần đây, chính quyền Tổng thống Putin đã điều nhiều máy bay chiến đấu Mig-29, trực thăng vũ trang Mi-24 tới hai căn cứ Gyumri và Erebuni, cùng với đó là hơn 70 xe tăng, thiết giáp, pháo hạng nặng. Hồi tháng 2 vừa qua, Điện Kremlin tuyên bố viện trợ quân sự trị giá 200 triệu USD cho Armenia.
Vướng mắc làm ở chỗ: Cùng lúc Nga cũng bán hàng trăm xe tăng, xe thiết giáp, pháo, súng cối cho Azerbaijan - kẻ thù lâu năm của Armenia. Từ Điện Kremlin, rõ ràng ông Putin cũng cần Azerbaijan như là một đồng minh, nhất là khi quan hệ Nga-Thổ Nhĩ Kỳ đang trong giai đoạn khủng hoảng. Giới chuyên gia ở Baku lẫn Moskva đều tin rằng, ông Putin sẽ làm mọi thứ có thể để tránh gây ra một cuộc xung đột quy mô giữa Nga và Azerbaijan. “Tổng thống Putin sẽ nỗ lực không để mất Azerbaijan. Ông ấy sẽ bằng mọi cách thúc đẩy đàm phán hòa bình cho Nagorny-Karabakh”, Dmitriy Oreshkin, một nhà phân tích chính trị độc lập nói.
Giao tranh bùng phát không phải là điều quá bất ngờ, bởi đã xuất hiện nhiều tín hiệu mang tính cảnh báo sớm trong suốt 2 năm qua. Gốc rễ của vấn đề vẫn là cách tiếp cận khác nhau của hai phía. Armenia muốn duy trì nguyên trạng, trong khi Azerbaijan luôn cảm thấy mình là kẻ thua cuộc, khi quy chế đối với vùng lãnh thổ Nagorny-Karabakh chưa được xác lập một cách rõ ràng. Giới phân tích nhìn nhận, cả Baku và Yerevan đều không trông đợi vào một giải pháp quân sự, vì đó là sự lựa chọn mang tính “cùng thua”.
Vậy sao chiến sự lại nổ ra? Nhiều người cho rằng đó là cách (nhiều khả năng là Azerbaijan, bên được cho nổ súng trước) nhắc nhở cộng đồng quốc tế về trách nhiệm đối với một điểm nóng chưa được xử lý rất điểm. Bởi trên thực tế, Nhóm Minsk thuộc Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) mà Nga, Mỹ, Pháp làm đồng chủ tịch đã không có được nỗ lực ngoại giao đáng kể nào trước sứ mệnh tạo lập khung pháp lý cũng như giải pháp chấm dứt đối đầu tại điểm nóng ở Caucasus (Kavkaz) này.
Nga đau đầu trước xung đột hiện nay, nhưng phía trước không hẳn là bế tắc. Lý do là bởi không như ở Ukraine hay Syria, Mỹ và phương Tây bắn tín hiệu sẵn sàng để Moskva làm trung gian hòa giải. Nga là bên đầu tiên lên tiếng yêu cầu Armenia và Azerbaijan kiềm chế, chấm dứt giao tranh. Trong tuần này, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov dự kiến sẽ tới Baku. Gần như cùng thời điểm, Thủ tướng Dmitry Medvedev sẽ có chuyến đi tới thủ đô Yerevan của Armenia. Nội dung không gì khác: thảo luận về điểm nóng Nagorny-Karabakh.