Điều này là nhờ vào việc được diễn tập trước đó nhiều lần nên cư dân ở khu vực ven biển bán đảo Noto đã nhanh chóng sơ tán khỏi khu vực nguy hiểm trước khi sóng thần tràn vào quét sạch mọi thứ.
Khi trận động đất có độ lớn 7,6 tấn công bán đảo Noto lúc 16h10 ngày 1/1 (giờ địa phương), cô Kayoko Hamada, một cư dân 44 tuổi ở thành phố ven biển Suzu, tỉnh Ishikawa, nhanh chóng nắm lấy tay cô con gái học lớp một và bắt đầu chạy khi có người hét lên: "Sóng thần đang đến! Chạy đi!". Ngôi nhà cách biển chỉ 50m nên cô Hamada phải di chuyển thật nhanh.
Cô kể lại lúc đó hình ảnh trận sóng thần tàn phá miền Đông Bắc Nhật Bản 13 năm trước hiện lên trước mắt cô. Trận động đất đó và trận sóng thần tiếp theo đã khiến trên 22.000 người thiệt mạng hoặc mất tích. Cô Hamada nói: “Tôi đã quyết định rằng nếu một trận động đất lớn xảy ra, chúng tôi sẽ nhanh chóng chạy lên vùng đất cao hơn”.
Và không chỉ mình chị Hamada làm điều đó. Rút ra bài học từ thảm họa năm 2011, nhiều cư dân ở Noto đã nhanh chóng tìm kiếm vùng đất cao hơn hoặc nơi trú ẩn khi trận động đất xảy ra trong khu vực.
Một phân tích về dữ liệu vị trí của điện thoại thông minh cho thấy khoảng 50% số người dùng bắt đầu chạy đi lánh nạn chỉ trong vòng 6 - 7 phút kể từ chấn động đầu tiên và trước cả khi cảnh báo sóng thần lớn được đưa ra. Trong khi đó, vào năm 2011, phải mất hơn gấp đôi thời gian để cùng một số lượng người trong khu vực bị ảnh hưởng bắt đầu sơ tán.
Báo Nikkei đã phân tích dữ liệu vị trí do Agoop, công ty con của SoftBank, cung cấp. Dữ liệu liên quan đến 104 người dùng điện thoại thông minh ở các khu vực có nguy cơ ngập lụt ở Suzu và Noto. Hơn 50% số người dùng điện thoại di động ở Suzu bắt đầu sơ tán trong vòng 6 phút và hơn 50% ở Noto sơ tán trong vòng 7 phút. Tỷ lệ đạt 80% trong khoảng 10 phút ở cả hai khu vực. Cảnh báo sóng thần lớn được đưa ra 12 phút sau trận động đất đầu tiên.
Ở Suzu, người dân đã sơ tán lên tới khu vực có độ cao trung bình 21m so với mực nước biển trong 20 phút, trong khi cư dân Noto, nằm gần những ngọn đồi, di chuyển lên độ cao hơn 17m trong 5 phút.
Giáo sư Taro Arikawa thuộc Đại học Chuo cho biết: “Một cơn chấn động mạnh bất thường đã khiến người dân phải hành động. Nhiều người biết chạy đi đâu nhờ đã diễn tập khẩn cấp và họ cũng kêu gọi hàng xóm sơ tán".
Theo một nhóm nghiên cứu của Đại học Tohoku, sóng thần đã tấn công một phần Suzu trong vòng một phút sau trận động đất. Khu vực trung tâm thành phố bắt đầu ngập lụt trong khoảng 20 phút, với đợt sóng lớn nhất ập đến 15 phút sau đó. Fumihiko Imamura, Giáo sư tại Viện Nghiên cứu quốc tế về Khoa học Thảm họa của trường đại học trên, cho biết: “Cơ hội trốn thoát lần này ngắn hơn nhiều”.
Sau trận động đất ở Noto, con số thương vong do sóng thần là hai người, nhưng sóng của trận động đất này không hề nhỏ. Theo Hiệp hội Kỹ sư Xây dựng Nhật Bản, đợt sóng cao nhất đạt tới 5m.
Trong thảm họa năm 2011, nhiều người đã trở thành nạn nhân do hành động chậm trễ. Một cuộc khảo sát của Bộ Đất đai với 5.500 người đã chạy trốn khỏi các khu vực ven biển cho thấy một nửa trong số họ phải mất hơn 14 phút mới bắt đầu sơ tán.
Sau những thay đổi tiếp theo về luật pháp, các thống đốc tỉnh hiện chỉ định các khu vực có thể xảy ra ngập lụt khi xảy ra sóng thần quy mô lớn nhất. Phân tích của Nikkei cho thấy, trong trận động đất ở Noto, càng những nơi được dự báo sẽ bị nhấn chìm sâu thì người dân càng sơ tán nhanh hơn.
Trong thảm họa năm 2011, nhiều người cố gắng thoát khỏi động đất-sóng thần bằng ô tô nhưng cuối cùng lại bị mắc kẹt do tắc đường khiến nhiều người chết đuối. Trước những rủi ro như vậy, chính quyền trung ương hiện kêu gọi người dân sơ tán bằng cách chạy bộ.
Tuy nhiên, kinh nghiệm đó trong quá khứ có thể chưa phải thích hợp vì ô tô đã giúp người dân ở Suzu và Noto sơ tán nhanh chóng. Phân tích tốc độ di chuyển của điện thoại thông minh, 40% đến 50% người dùng rõ ràng đã sử dụng phương tiện giao thông. Nhiều cư dân trong khu vực là người già nên họ phụ thuộc vào ô tô.
Katsuya Yamori, Giáo sư tại Viện nghiên cứu phòng chống thiên tai, Đại học Kyoto, cho biết: “Không nên loại trừ việc sử dụng ô tô vì chúng có thể là phương tiện sơ tán hữu ích ở một số khu vực. Tất cả phụ thuộc vào điều kiện địa phương".