Số nạn nhân được cơ quan chức năng Thái Lan giải cứu năm qua tăng mạnh so với con số 622 của một năm trước đó, cao hơn nhiều so với mức 982 nạn nhân được ghi nhận vào năm 2015. Trong số 1.807 người được cảnh sát nước này giải cứu, 60% là phụ nữ và hầu hết họ những người được đưa sang để làm lao động. Gần 75% là người di cư đến từ Myanmar.
Trong những năm gần đây, Thái Lan đã tăng cường triệt phá các đường dây buôn người sau khi vấn nạn này có xu hướng gia tăng mạnh mẽ, đặc biệt là phục vụ nhu cầu nhân lực ngành khai thác hải sản và bóc lột tình dục.
Các luật sư và các nhà hoạt động xã hội Thái Lan lo ngại rằng, việc một số lượng lớn nạn nhân được giải cứu sẽ gây ra một áp lực lớn cho chính quyền trong công tác hỗ trợ, đặc biệt là gánh nặng về ngân sách và đội ngũ nhân viên hỗ trợ. Thông thường, các nhạn nhân buôn người được Thái Lan giải cứu có thể chọn nhận sự giúp đỡ từ chính phủ, bao gồm nơi ở và chi phí sinh hoạt từ một quỹ của nhà nước. Ngoài ra, nạn nhân cũng được hưởng trợ giúp pháp lý và có cơ hội tìm việc làm trong khi chờ được hồi hương.
Theo thống kê của Liên hợp quốc, hiện có khoảng 4,9 triệu người nhập cư tại Thái Lan, chiếm hơn 10% lực lượng lao động của quốc gia này. Hầu hết những nạn nhân này đền từ các nước láng giềng nghèo khổ như Myanmar, Campuchia, Lào. Báo cáo "Nô lệ toàn cầu" của tổ chức Walk Free Foundation (Australia) cho biết Thái Lan hiện là nơi cư trú của 610.000 người thuộc diện nô lệ thời hiện đại.