Giới chuyên gia dự báo số ca tử vong do nắng nóng sẽ tăng 370% vào giữa thế kỷ này, nếu nền nhiệt trung bình của Trái Đất cao hơn 2 độ C so với thời kỳ tiền Cách mạng Công nghiệp.
Một báo cáo đăng trên tạp chí y khoa The Lancet ngày 14/11 cho thấy trong năm 2022 người dân trên thế giới đã trải qua khoảng 86 ngày ở mức nhiệt độ cao đe dọa sức khỏe, khi nhiệt độ tăng thêm khoảng 1,1 độ C. Những người trên 65 tuổi là nhóm đối tượng dễ bị tổn thương nhất khi nhiệt độ tăng vọt. Trong thập kỷ qua, số ca tử vong do nhiệt độ cao ở nhóm tuổi này đã tăng 47% so với thập kỷ từ năm 1991 đến 2000.
Báo cáo tập hợp dữ liệu từ 100 chuyên gia thuộc 52 tổ chức nghiên cứu khác nhau và các cơ quan của Liên hợp quốc, trong đó có Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Đây là báo cáo thứ 8 từ trước đến nay đánh giá mức độ ảnh hưởng của tình trạng Trái Đất nóng lên đối với sức khỏe con người.
Đánh giá về tình trạng biến đổi khí hậu, chuyên gia Marina Romanello của The Lancet nhấn mạnh: "Chúng ta đang phải trả giá bằng mạng sống". Theo một nghiên cứu hồi đầu năm nay, khoảng 61.000 người đã tử vong trong đợt nắng nóng ở châu Âu vào mùa Hè năm 2022. Trong khi đó, báo cáo của The Lancet cũng cho biết nhiệt độ cao có thể đã làm "bốc hơi" 490 tỷ giờ lao động trong năm 2022, tăng gần 42% so với giai đoạn 1991-2000.
Những đợt nắng nóng diễn ra thường xuyên hơn cũng có thể đẩy thêm 525 triệu người vào cảnh mất an ninh lương thực vào giữa thế kỷ này.
Hội nghị lần thứ 28 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu (COP28) diễn ra từ ngày 30/11 - 12/12 tới tại Dubai (Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất - UAE) sẽ lần đầu tiên tập trung thảo luận về tác động của nắng nóng đối với sức khỏe con người. Khoảng 46 triệu chuyên gia y tế đã kêu gọi Chủ tịch COP28 nhân sự kiện này thúc đẩy các nước loại bỏ nhiên liệu hóa thạch - tác nhân chính gây ra tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu.