Mỹ cũng ghi nhận 22.591 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 1.369.314 ca.
New York vẫn là bang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch bệnh, với tổng số 338.485 ca nhiễm và 27.284 ca tử vong. Tuy nhiên, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh của Mỹ (CDC) nhận định số ca tử vong thực tế tại thành phố New York thậm chí còn cao hơn tới 5.300 ca so với thống kê chính thức.
Trong khoảng thời gian từ ngày 11/3-2/5, số ca tử vong ở thành phố New York tăng thêm 24.000 người. Theo các chuyên gia, số ca tử vong do COVID-19 có thể chưa được thống kê đầy đủ vì có những người tử vong tại nhà và không được cơ quan y tế xét nghiệm để xác định bệnh gây tử vong.
Báo cáo phân tích của CDC công bố hôm 11/5 đã chỉ rõ nhiều thách thức mà chính quyền Mỹ phải đối diện trong cuộc khủng hoảng dịch bệnh COVID-19. Một trong những vấn đề đó là nhiều người dân do sợ nhiễm virus SARS-CoV-2 và tình trạng quá tải ở các bệnh viện nên ngần ngại tìm kiếm giúp đỡ y tế khi mắc các bệnh khác như tim mạch hoặc tiểu đường.
Trên thực tế, không chỉ ở New York mà ở nhiều nơi trên thế giới, số ca tử vong do COVID-19 được cho là chưa được thống kê đầy đủ do khả năng xét nghiệm hạn chế và cách thống kê của mỗi nước khác nhau.
Liên quan việc nới lỏng các biện pháp hạn chế phòng chống dịch, ngày 12/5, Giám đốc Trung tâm Các bệnh truyền nhiễm và dị ứng quốc gia của Mỹ, ông Anthony Fauci cảnh báo rằng việc dỡ bỏ các quy định giãn cách xã hội quá nhanh có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, bao gồm các đợt bùng phát mới của dịch COVID-19.
Trả lời các thượng nghị sĩ trong một phiên điều trần tại Quốc hội Mỹ, ông Fauci nhấn mạnh: "Nếu một cộng đồng, một tiểu bang hoặc khu vực không tuân thủ những hướng dẫn và mở cửa trở lại... thì hậu quả có thể thực sự nghiêm trọng". Ông Fauci cho biết Chính phủ liên bang đã xây dựng hướng dẫn cho chính quyền các bang về các hoạt động mở cửa an toàn, theo đó một bước đầu tiên quan trọng là các ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2 phải giảm trong vòng 14 ngày.