Đại diện của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Philippines, ông Rabindra Abeyasinghe, nhấn mạnh quốc gia Đông Nam Á này đang chứng kiến số ca mắc COVID-19 có chiều hướng giảm dần.
Ngoài các ca mắc mới, đã có thêm 209 bệnh nhân phục hồi, nâng tổng số bệnh nhân bình phục lên 273.313 người.
Trong khi đó, với thêm 25 ca tử vong do COVID-19, tổng số ca tử vong vì dịch bệnh này tại Philippines hiện tăng lên đến 5.865 ca. Thủ đô Manila là khu vực có số ca mắc mới cao nhất trong ngày 6/10 với 557 ca.
Bộ Y tế Philippines cho biết thêm tính đến nay trên 3,71 triệu người trong khoảng 109 triệu dân tại Philippines đã được xét nghiệm sàng lọc virus SARS-CoV-2.
Trong khi đó, đại diện WHO, ông Abeyasinghe, ghi nhận Philippines đã rất chủ động thực thi các quy định, cũng như triển khai các biện pháp hạn chế di chuyển cần thiết nhằm ngăn chặn đà lây lan dịch bệnh. Tuy vậy, ông Abeyasinghe nhấn mạnh rằng Philippines cần thực thi biện pháp ứng phó toàn diện hơn, trong đó có việc tập hợp sự đoàn kết của tất cả các vùng, các thành phố và trên khắp cả nước. Ngoài ra, cần triển khai nhiều cơ chế cho việc chẩn đoán sớm, truy vết tiếp xúc, sớm cách ly và điều trị các ca mắc COVID-19, cũng như cách ly các ca tiếp xúc gần.
* Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Nhật Bản thông báo đã chấp thuận cho phép doanh nhân Hàn Quốc nhập cảnh mà không cần phải cách ly 14 ngày. Quyết định này bắt đầu có hiệu lực từ ngày 8/10 tới.
Hãng tin Yonhap dẫn thông báo trên cho biết các doanh nhân Hàn Quốc có kế hoạch ngắn hạn tại Nhật Bản, lên tới 90 ngày, sẽ được miễn cách ly nếu họ có giấy xác nhận âm tính với virus SARS-CoV-2 và có văn bản thông báo lịch trình trước đó.
Hồi tháng 3 năm nay, Tokyo đã áp đặt các biện pháp hạn chế nhập cảnh đối với Seoul nhằm ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan. Động thái này càng khiến quan hệ song phương leo thang căng thẳng sau những tranh cãi liên quan vấn đề lịch sử thời chiến và thương mại. Cuối tháng 7 vừa qua, hai nước bắt đầu khởi động đàm phán nhằm nới lỏng các hạn chế nhập cảnh do lo ngại việc duy trì phong tỏa biên giới có thể ảnh hưởng lớn tới các hoạt động kinh tế.
* Tại Ấn Độ, cho dù chính phủ đã nới lỏng quy định giãn cách xã hội, nhưng thành phố Mumbai chỉ có thể mở lại 30% số nhà hàng do các vấn đề thiếu hụt lao động và hạn chế di chuyển trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp.
Thành phố Mumbai đã cho phép các nhà hàng, quán cà phê, quán ăn và quán bar mở cửa trở lại với công suất bằng 33% so với thông thường. Bang miền Tây Maharashtra, nơi thành phố Mumbai là thủ phủ, cũng đã cho phép các nhà hàng hoạt động trở lại, song chỉ được phục vụ khoảng 50% lượng khách.
Thành phố Mumbai cho biết thêm thời lượng mở cửa của các cơ sở trên sẽ tự động được nâng lên 50% kể từ ngày 1/11 tới, nếu các nhà hàng đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn hoạt động an toàn nhằm phòng chống dịch bệnh.
Mumbai, thành phố có số ca mắc COVID-19 cao thứ ba tại Ấn Độ, chỉ sau Delhi và Bengaluru, đã áp đặt lệnh phong tỏa từ ngày 23/3 vừa qua, đồng thời các phương tiện công cộng như tàu hỏa tiếp tục bị hạn chế và chỉ dành cho số ít các nhân viên có nhu cầu cấp thiết.
Thủ phủ tài chính của Ấn Độ có khoảng 87.000 nhà hàng, tạo cơ hội việc làm cho khoảng 428.000 người. Phó Chủ tịch Hiệp hội Khách sạn và Nhà hàng ở khu vực Tây Ấn Độ, ông Pradeep Shetty, cho biết các nhà hàng tại đây đang phải đối mặt với tình hình tài chính eo hẹp do lệnh phong tỏa, khiến họ phải sử dụng nguồn vốn dự trữ để trả lương cho nhân viên và thanh toán các phí dịch vụ khác.