Đây là lần đầu tiên sau 2 tháng, số ca mắc mới COVID-19 tại Lào quay trở lại mức 4 con số, nguyên nhân được cho là sự bùng phát của biến thể Omicron trong thời gian qua.
Tính đến ngày 18/3, tổng số ca mắc COVID-19 tại Lào là 150.639 ca, trong đó có 643 ca tử vong. Theo Thời báo Viêng Chăn, trong bối cảnh số ca nhiễm mới liên quan đến biến thể Omicron tăng mạnh, Bộ Y tế Lào đang cân nhắc hủy bỏ các lễ hội Tết truyền thống của nước này trong tháng tới. Bộ này đang đánh giá khả năng ứng phó của các bệnh viện và các nhân viên y tế trước sự gia tăng đột biến các ca mắc COVID-19.
Theo Bộ Y tế Lào, mặc dù số ca nhiễm tăng nhanh, nhưng nếu cơ sở vật chất và đội ngũ nhân viên được chuẩn bị đầy đủ, sẽ không cần hủy bỏ các hoạt động Tết cổ truyền của Lào. Tuy nhiên, nếu tỷ lệ lây nhiễm tiếp tục tăng, Chính phủ có thể quyết định hủy bỏ hoặc thu hẹp quy mô các lễ kỷ niệm.
Giới chức y tế Lào nhận định mặc dù biến thể Delta là biến thể chủ đạo gây bệnh COVID-19 tại Lào, song gần đây, biến thể Omicron và có khả năng một dòng phụ của biến thể này hiện đang lan nhanh khắp đất nước. Mặc dù số ca tử vong do Omicron ít hơn nhiều so với Delta và các biến thể khác của virus SARS-CoV-2, nhưng biến thể Omicron có thể gây nguy hiểm đối với những người trên 60 tuổi và những người có bệnh nền.
Dịch COVID-19 đã khiến Lào phải hủy bỏ các hoạt động tổ chức Tết cổ truyền vào giữa tháng 4/2020 và thu hẹp phần lớn quy mô lễ hội trong năm 2021. Người dân Lào đã trải qua 2 năm đón Năm Mới trong bầu không khí yên tĩnh, khi các đường phố vắng bóng những hoạt động sôi nổi như té nước để chúc phúc mừng Năm Mới.
Tại Indonesia, phóng viên TTXVN tại Jakarta dẫn lời Thư ký Đội tăng tốc phục hồi kinh tế thuộc Bộ Ngoại giao Indonesia, ông Lintang Paramitasari cho biết tính đến ngày 17/3, nước này đã nhận được tổng cộng 505.551.435 liều vaccine ngừa COVID-19 từ các nước đối tác thông qua các kênh song phương và đa phương. Số lượng vaccine này có thể đáp ứng 93,6% nhu cầu tiêm đủ hai mũi cơ bản cho tất cả người dân Indonesia.
Ông Lintang nêu rõ vào ngày 11/3 vừa qua, nước này một lần nữa nhận được vaccine do hãng dược Moderna sản xuất thông qua chương trình chia sẻ vaccine COVAX từ Mỹ, với 2.000.880 liều. Bộ Ngoại giao cùng với các bộ, ngành liên quan của Indonesia tiếp tục nỗ lực thực hiện ngoại giao vaccine để đáp ứng nhu cầu trong nước, bao gồm cả vaccine tiêm mũi tăng cường.
Indonesia cũng tiếp tục nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiếp cận bình đẳng vaccine ngừa COVID-19 cho tất cả các quốc gia trên thế giới. Một trong những nỗ lực này là thông qua vai trò đồng Chủ tịch COVAX AMC EG (Nhóm Cam kết thị trường tiên tiến COVAX) của Indonesia nhằm làm cầu nối giảm khoảng cách tiếp cận với vaccine, do vẫn còn một số quốc gia trong nhóm chưa đạt được tỷ lệ tiêm chủng 10%.
Indonesia cũng luôn nhấn mạnh ưu tiên hàng đầu hiện nay là COVAX AMC EG phấn đấu đạt mục tiêu của WHO về tỷ lệ bao phủ vaccine ở mức 70% dân số vào giữa năm 2022 cho tất cả các quốc gia.