Số ca mắc mới cũng tăng 16,6% và số bệnh nhân phải nhập viện tăng 14,9%. Số ca tử vong vì COVID-19 trong tuần trước là 257 người, tăng nhẹ so với 249 người của tuần trước.
Báo cáo trên nhấn mạnh rằng áp lực đối với các bệnh viện vẫn tương đối thấp, với tỷ lệ các ca điều trị COVID-19 chỉ chiếm 5% số giường bệnh, trong khi số ca cấp cứu chỉ chiếm 4% số giường bệnh trên toàn quốc. Tuy nhiên, tỷ lệ này có sự chênh lệch giữa các vùng.
Đối với những người trên 60 tuổi, báo cáo của Gimbe ghi nhận những dấu hiệu đầu tiên của việc “vaccine giảm hiệu quả ở những ca bệnh nặng”. Báo cáo nêu rõ hiệu quả của vaccine đối với các ca bệnh nặng được xác nhận là rất cao, nhưng sẽ giảm dần và cho rằng việc đẩy nhanh tiêm mũi vaccine tăng cường là cần thiết để ngăn chặn số các ca bệnh nặng gia tăng trong số những người dễ bị tổn thương nhất trong mùa Đông này.
Các cơ quan y tế Italy đang khuyến nghị việc tiêm mũi vaccine tăng cường cho tất cả các nhóm có nguy cơ cao và những người trên 60 tuổi cũng như nhân viên y tế và nhân viên chăm sóc tại nhà. Tuy nhiên, số đối tượng được tiêm mũi này cho đến nay vẫn chưa được mở rộng.
Cùng ngày 4/11, quan chức phụ trách phòng chống COVID-19 của Italy, Tướng Francesco Figlioilo, tuyên bố “sự gia tăng số ca nhiễm mới hiện không tương ứng với sự gia tăng số ca phải nhập viện”. Ông cho biết chiến dịch tiêm chủng của Italy có ý nghĩa quyết định trong việc hạn chế các ca bệnh nặng. Tuy nhiên, số người đi tiêm vaccine tiếp tục giảm 39,6% trong tuần, với số người đi tiêm mũi đầu hiện vào khoảng 20.000 người/ngày.
Theo số liệu của Bộ Y tế, ngày 4/11, Italy có 5.905 ca nhiễm mới, tăng so với 5.188 ca của ngày trước đó, trong khi số ca tử vong là 59 ca, giảm so với con số 63 ca của ngày trước. Số bệnh nhân nhập viện để điều trị COVID-19, không bao gồm những người phải cấp cứu, là 3.045 người. Có 36 ca phải cấp cứu, nâng tổng số bệnh nhân phải cấp cứu lên 383 người.