COVID-19 tại ASEAN hết 4/11: Toàn khối thêm 470 ca tử vong; Lào vẫn trên 1.000 ca mắc mới

Theo trang thống kê worldometers.info, trong ngày 4/11, các quốc gia thành viên ASEAN ghi nhận 28.189 ca mắc COVID-19 và 470 ca tử vong. Tổng số người mắc bệnh tại ASEAN từ đầu dịch đã là 13.305.971 ca, trong đó 280.386 người tử vong.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine COVID-19 cho người dân tại Bangkok, Thái Lan, ngày 1/11/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Trong ngày 4/11, Thái Lan tiếp tục đứng thứ đầu ASEAN về ca mắc với 7.982 ca, nâng tổng số ca từ đầu dịch lên 1.943.424 ca.

Đứng số 2 ASEAN về ca mắc hàng ngày là Việt Nam với 6.580 ca. Tổng số ca mắc tại Việt Nam là 946.043 ca.

Quốc gia ghi nhận ca mắc cao thứ ba là Malaysia với 5.291 ca. Tới nay, Malaysia đã ghi nhận tổng cộng 2.486.630 ca mắc COVID-19. 

Tiếp đó là Singapore với 3.635 ca, Philippines với 1.766 ca, Myanmar với 716 ca, Lào với 1.170 ca, Myanmar (955 ca), Indonesia với 628 ca mắc, Brunei với 99 ca và Campuchia với 83 ca. 

Về số ca tử vong, các quốc gia ASEAN đều ghi nhận ca tử vong mới: Philippines (239 ca), Thái Lan (68 ca), Việt Nam (59 ca), Malaysia (46 ca), Indonesia (19 ca), Myanmar (16 ca), Singapore (12 ca), Campuchia (6 ca) , Lào (3 ca) và Brunei (2 ca). 

Số ca mắc mới COVID-19 tại Lào tiếp tục ở mức 4 con số

Chú thích ảnh
Phun khử trùng nhằm ngăn sự lây lan của dịch COVID-19 tại thủ đô Viêng Chăn, Lào ngày 30/9/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Ngày 4/11, Bộ Y tế Lào thông báo trong 24 giờ qua, nước này đã ghi nhận 1.170 ca mắc mới COVID-19 và 3 ca tử vong.

Thông báo cho biết số ca mắc mới COVID-19 tiếp tục ở mức 4 con số và được ghi nhận tại 15/18 tỉnh, thành, tăng 108 ca so với ngày 3/11. Riêng tại thủ đô Viêng Chăn đã có tới 589 ca lây nhiễm cộng đồng trong một ngày, tăng 72 ca so với ngày 3/11, tiếp tục cao nhất cả nước. Điều này khiến cho số bản được quy định là vùng đỏ ở thủ đô tăng cao với 256 bản tại 9 quận.

Tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp tại một số tỉnh như Luang Namtha, Luang Prabang...  khi những tỉnh này tiếp tục ghi nhận số ca lây nhiễm cộng đồng vượt mức 100 ca trong vòng 24 giờ. Như vậy, đến nay, tổng số ca mắc COVID-19 tại Lào là 44.061 ca, trong đó có 73 người tử vong.

Trước tình hình trên, Chính phủ Lào đã yêu cầu các địa phương khẩn trương truy vết, điều trị cho người bị nhiễm bệnh và đưa người tiếp xúc gần đi xét nghiệm, cách ly tại các cơ sở theo đúng quy định; đồng thời phối hợp với các thành phần liên quan để đánh giá tình hình thực hiện công tác phòng chống dịch bệnh. Bên cạnh đó, chính phủ cũng tiếp tục khuyến cáo người dân tuân thủ nghiêm các quy định phòng chống dịch bệnh, không tham gia các cuộc tụ họp đông người, kể cả lễ hội truyền thống, nhất là tại vùng đỏ để tránh nguy cơ mắc COVID-19; kêu gọi người dân nếu thấy có triệu chứng nghi ngờ mắc COVID-19 hoặc từng tiếp xúc với người bị mắc bệnh cần khẩn trương đi lấy mẫu xét nghiệm tại các cơ sở y tế hoặc liên hệ các nhóm xét nghiệm lưu động ở các khu vực đang có lây nhiễm cộng đồng.

Singapore sẽ cho công chức nghỉ không lương nếu không tiêm phòng

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Singapore. Ảnh: AFP/TTXVN

Các công chức Singapore nếu không tiêm vaccine ngừa COVID-19 dù đủ điều kiện, có thể sẽ bị cho nghỉ không lương hoặc sẽ không được gia hạn khi hợp đồng lao động kết thúc.

Cơ quan Dịch vụ Công (PSD) của Singapore cho biết đây sẽ là giải pháp cuối cùng nếu các công chức vẫn không chịu tiêm vaccine ngừa COVID-19. Hiện tại, PSD sẽ cố gắng hết sức để có thể sắp xếp cho các nhân viên chưa tiêm phòng làm việc tại nhà từ ngày 1/1/2022 nếu công việc cho phép. Những người chưa tiêm vaccine cũng có thể sẽ được điều chuyển sang các bộ phận có thể làm việc tại nhà. Tuy nhiên, PSD nhấn mạnh rằng nếu họ đủ điều kiện tiêm chủng mà vẫn kiên quyết không tiêm thì sẽ không đủ tiêu chuẩn để điều chuyển, và sẽ bị buộc phải nghỉ không lương.

Hiện tại, ngành dịch vụ công của Singapore có khoảng 153.000 công chức, làm việc tại 16 bộ và hơn 50 cơ quan, ban ngành khác nhau. Khoảng 98% số này đã được tiêm đủ 2 mũi vaccine. PSD đang khuyến khích 2% số công chức còn lại (khoảng 3.000 người), sớm đi tiêm để bảo vệ chính họ và những người xung quanh.

Theo quy định của Bộ Y tế Singapore công bố ngày 23/10, chỉ những người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine, hoặc những người đã hồi phục sau khi mắc COVID-19 trong vòng 270 ngày trước đó, sẽ được phép trở lại nơi làm việc từ đầu năm 2022, áp dụng toàn diện cả trong lĩnh vực dịch vụ công và tư nhân.

Tháng 10 vừa qua, Bộ Nhân lực Singapore (MOM) cũng ban hành hướng dẫn, theo đó cho phép các công ty được phép đơn phương kết thúc hợp đồng có thông báo trước với các nhân viên kiên quyết nói "không" với vaccine ngừa COVID-19 dù đủ điều kiện sức khỏe để tiêm chủng.

Campuchia thí điểm sử dụng thuốc kháng virus Molnupiravir 

Chú thích ảnh
Thuốc Molnupiravir. Ảnh: Almory/TTXVN

Bộ Y tế Campuchia ngày 3/11 đã đồng ý cấp phép sử dụng thí điểm thuốc kháng virus Molnupiravir trong trường hợp điều trị khẩn cấp cho các bệnh nhân COVID-19. Thuốc Molnupiravir do Công ty Mylan Laboratories Limited ở Maharashtra (Ấn Độ) sản xuất.

Trong thông cáo cấp phép, Bộ trưởng Y tế Campuchia Mam Bun Heng cho biết sẽ sử dụng thuốc kháng virus Molnupiravir trong điều trị khẩn cấp, trong khi vẫn phải tiếp tục nghiên cứu và đánh giá phác đồ điều trị xen kẽ. Các đơn vị liên quan sẽ theo dõi chặt chẽ việc sử dụng thuốc Molnupiravir để đảm bảo an toàn và kiểm soát các phản ứng bất lợi do dược phẩm này gây ra.

Trả lời báo Khmer Times cùng ngày, người phát ngôn Bộ Y tế Campuchia Hok Kim Cheng cho biết thuốc kháng virus Molnupiravir sẽ giúp bệnh nhân COVID-19 chưa tiêm vaccine có thể phục hồi, thậm chí hiệu quả trong một số trường hợp diễn biến xấu. Campuchia đang trong quá trình nhập khẩu thuốc Molnupiravir.

Trước đó, lo ngại vẫn còn nhiều người tử vong vì COVID-19, Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen ngày 2/11 kêu gọi giới chức các bộ ngành liên quan và lực lượng y tế tìm cách giảm tỷ lệ tử vong do đại dịch tại nước này. Ba ngày sau khi Thủ tướng Hun Sen thông báo sẽ mở cửa tất cả các lĩnh vực, số ca mắc COVID-19 tiếp tục giảmvà ở mức thấp nhất trong chuỗi 34 ngày bình thường mới tại Campuchia. 

Theo thông báo mới nhất, Bộ Du lịch Campuchia ngày 3/11 đã ban hành quyết định cho mở cửa trở lại kinh doanh vườn bia và hướng dẫn các cơ sở này tuân thủ chặt chẽ các quy định an toàn du lịch và các quy định chuẩn về phòng chống dịch COVID-19 của Bộ Y tế.

Indonesia chưa tiêm chủng cho trẻ em trong năm 2021

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế chuẩn bị tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em tại Banda Aceh, Indonesia, ngày 22/9/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Tại Indonesia, người phát ngôn Bộ Y tế Indonesia Siti Nadia Tarmizi ngày 4/11 cho biết chính phủ nước này chưa thể tiến hành chương trình tiêm chủng ngừa COVID-19 cho trẻ em từ 6-11 tuổi trong năm nay do thiếu nguồn cung vaccine.

Tuyên bố trên được bà Nadia đưa ra sau khi Phó chủ tịch Ủy ban IX (chuyên giám sát các vấn đề dân số, y tế, nhân lực và di cư) thuộc Hạ viện Charles Honoris hối thúc tiêm chủng cho đối tượng này ngay lập tức, đề phòng nguy cơ xảy ra làn sóng lây nhiễm thứ ba vào cuối năm nay. Bà Nadia cho hay Bộ Y tế cần bổ sung kho dự trữ vaccine của Sinovac do đơn đặt hàng từ công ty này hiện không đủ, đồng thời cần thêm 40 triệu liều vaccine thuộc loại này để tiêm phòng mũi thứ hai cho người dân. Theo bà Nadia, chính phủ cần ít nhất 30 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 để tiêm cho 25-27 triệu trẻ em từ 6-11 tuổi. Loại vaccine được sử dụng cho đối tượng này do công ty Sinovac của Trung Quốc sản xuất.

Hiện mới chỉ có vaccine của Sinovac được Cơ quan Giám sát Thực phẩm và Dược phẩm Indonesia (BPOM) cấp phép sử dụng khẩn cấp (EUA) cho trẻ em từ 6-11 tuổi. Tuy nhiên, bà Nadia khẳng định BPOM sẽ mở cửa để các hãng sản xuất vaccine khác trình kết quả thử nghiệm lâm sàng ở đối tượng này. Bà Nadia - người cũng đang giữ chức Cục trưởng Phòng chống và Kiểm soát các bệnh truyền nhiễm trực tiếp (P2PML) - đặt mục tiêu khởi động chương trình tiêm chủng cho trẻ em từ 6-11 tuổi chậm nhất vào tháng 1/2022. 

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho học sinh tại Blang Bintang, tỉnh Aceh, Indonesia, ngày 21/9/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Hiện nay, ngoài việc tìm kiếm nguồn cung vaccine, Bộ Y tế cũng cần tham khảo ý kiến của Ủy ban tư vấn kỹ thuật tiêm chủng quốc gia (ITAGI), Hiệp hội bác sĩ nhi khoa Indonesia (IDAI), và các tổ chức chuyên môn liên quan khác để xây dựng quy trình kỹ thuật tiêm chủng cho trẻ em.

Ngoài vấn đề thiếu nguồn cung vaccine, bà Nadia cho rằng cần ưu tiên tiêm vaccine cho người trưởng thành trên 18 tuổi do các nhóm đối tượng này có nguy cơ mắc bệnh và tử vong cao hơn nếu không được tiêm chủng ngay. Bà Nadia cũng khẳng định chính phủ đang tập trung theo đuổi mục tiêu tiêm chủng cho người trên trên 11 tuổi, đặc biệt là đối tượng người cao tuổi vốn đang có tỷ lệ bao phủ vaccine thấp nhất tại Indonesia.

Indonesia đặt mục tiêu cung cấp vaccine cho 80-85% đối tượng tiêm chủng vào cuối năm 2021, trong đó tỷ lệ tiêm mũi thứ hai đạt 60%. Mới đây, Hạ viện nước này đã yêu cầu tiêm vaccine cho trẻ em từ 6-11 tuổi ngay trong năm 2021, sớm hơn mục tiêu vào tháng 1/2022 của Bộ Y tế. 

Nghị sỹ Charles Honoris hy vọng rằng việc tiêm vaccine cho trẻ em từ 6-11 tuổi có thể giúp khôi phục nền giáo dục quốc gia. Một Phó chủ tịch khác của Ủy ban IX thuộc Hạ viện là ông Nihayatul cũng cho rằng điều này có thể làm tăng sự tin tưởng của phụ huynh khi cho trẻ đến trường học trực tiếp.

Thùy Dương/Báo Tin tức
Ca COVID-19 tăng gấp đôi ở người trên 65 tuổi tại Anh
Ca COVID-19 tăng gấp đôi ở người trên 65 tuổi tại Anh

Tỷ lệ mắc COVID-19 ở Anh đã tăng gần gấp đôi ở những người trên 65 tuổi trong khoảng thời gian từ tháng 9 đến tháng 10.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN