Ca COVID-19 tăng gấp đôi ở người trên 65 tuổi tại Anh

Tỷ lệ mắc COVID-19 ở Anh đã tăng gần gấp đôi ở những người trên 65 tuổi trong khoảng thời gian từ tháng 9 đến tháng 10.

Ca COVID-19 tại Anh tăng gấp đôi ở người trên 65 tuổi từ cuối tháng 10

Chú thích ảnh
Nghiên cứu cho thấy nhiễm trùng tăng gấp đôi ở những người lâu đời nhất và dễ bị tổn thương nhất ở phía tây nam nước Anh. Ảnh: Getty Images

Theo trang Guardian (Anh), các nhà khoa học tại Đại học Hoàng gia London đã phân tích khoảng 67.000 mẫu bệnh phẩm được lấy trên khắp nước Anh từ ngày 19-29/10 và phát hiện tỷ lệ lây nhiễm ở các khu vực ngoài Yorkshire và Humber đã tăng cao hơn so với tháng 9.

Các nhà nghiên cứu cảnh báo virus đang lây lan từ học sinh sang các nhóm tuổi dễ bị tổn thương hơn. Tỷ lệ lây nhiễm cao nhất ở học sinh, với gần 6% trẻ từ 5-17 tuổi có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2. Bên cạnh đó, các ca COVID-19 cũng gia tăng ở mọi nhóm tuổi, bao gồm cả những người lớn tuổi nhất và dễ bị tổn thương nhất, với tỷ lệ tăng gấp đôi lên 0,8% ở nhóm 65-74 tuổi và 0,67% ở nhóm từ 75 tuổi trở lên.

Giáo sư Paul Elliott, người đứng đầu nghiên cứu cho biết: “Chúng tôi nhận thấy tỷ lệ lây nhiễm trong nhóm người cao tuổi và người dễ tổn thương đã tăng gấp đôi. Rõ ràng đây là một điều đáng lo ngại. Tình trạng ca mắc gia tăng là do trẻ em nhiễm virus khi đến trường và lây nhiễm cho người thân khi trở về nhà”.

Cho đến nay, sự gia tăng các ca COVID-19 được ghi nhận chủ yếu ở phía tây nam nước Anh. Theo nghiên cứu, tỷ lệ nhiễm bệnh gần như tăng gấp 4 lần từ 0,59% vào tháng 9 lên 2,18% vào tháng 10 ở các khu vực xung quanh Bristol, Swindon và Gloucester.

Ông Elliott cho biết nghiên cứu không thể giải thích lý do tại sao các trường hợp COVID-19 gia tăng ở phía tây nam. Tuy nhiên, điều này có thể liên quan đến sự cố phòng thí nghiệm Immensa thông báo sai hàng chục nghìn kết quả xét nghiệm COVID-19 trong khu vực. 

Kết quả giải trình tự gien của một số mẫu virus cũng cho thấy biến thể mới AY.4.2 đang lây lan mạnh mẽ tại Anh. Theo nghiên cứu, biến thể AY.4.2 chỉ chiếm 4,6% trường hợp trong tháng 9 nhưng đã tăng lên 10,3% trong tháng 10. Trang National Geographic ngày 3/11 cho biết AY.4.2 hiện chiếm hơn 12% các ca mắc mới tại Anh và các chuyên gia đang theo dõi chặt chẽ biến thế này.

Đức ghi nhận ca nhiễm kỷ lục

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Y tế Đức, Jens Spahn, đến thăm một trung tâm tiêm chủng ở Berlin khi một phụ nữ nhận được liều thứ hai của vaccine Pfizer/BioNTech. Ảnh: Reuters

Hôm 3/11, Đức, quốc gia đông dân nhất Liên minh châu Âu (EU), đã ghi nhận 33.949 ca mắc COVID-19, mức cao nhất theo ngày kể từ khi đại dịch bùng phát ở nước này vào cuối năm ngoái. Trước đó, mức kỷ lục ca nhiễm mới trước đó được ghi nhận vào ngày 18/12/2020, với 33.777 trường hợp.

Con số kỷ lục mới được công bố ngay trước thềm cuộc họp lãnh đạo y tế các bang ở Đức kéo dài 2 ngày, bắt đầu từ 4/11. Helge Braun, Chánh văn phòng của Thủ tướng Angela Merkel, nói rằng các bang của nước này cần thúc đẩy tiến độ tiêm phòng nhắc lại cho người lớn tuổi. “Điều đó lẽ ra phải đạt được từ lâu”, ông nói với đài truyền hình ZDF vào sáng 4/11.

Dữ liệu từ Viện Robert Koch về các bệnh truyền nhiễm cho biết tính đến nay, chỉ có 6,7% người trên 60 tuổi ở Đức được tiêm mũi nhắc lại.

Một ngày trước đó, Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn cảnh báo quốc gia đông dân nhất EU đang trải qua một đợt bùng phát dịch “quy mô lớn” tác động chủ yếu tới những người chưa được tiêm vaccine ngừa COVID-19.

“Đại dịch còn lâu mới qua. Chúng ta đang trải qua một đợt đại dịch quy mô lớn của những người chưa tiêm chủng. Các phòng chăm sóc đặc biệt sẽ ít bệnh nhân COVID-19 hơn nếu thêm nhiều người chịu tiêm vaccine”, ông Spahn nói. 

Trong tuần qua, một số bệnh viện ở Đức đã phát cảnh báo về số bệnh nhân mắc COVID-19 gia tăng. Hôm 3/11, giới chức trách cho biết 2.220 bệnh nhân đang được chăm sóc đặc biệt, cao nhất kể từ đầu tháng 6. 

Trong 7 ngày qua, 666 người đã tử vong vì COVID-19 ở Đức, cao hơn so với cùng tuần một năm trước đó - tức trước khi đợt tiêm chủng bắt đầu và sự xuất hiện của biến chủng Delta dễ lây nhiễm hơn. 

Cho đến nay, trên 66% dân số Đức đã được tiêm phòng đầy đủ, song Bộ trưởng Y tế Spahn lo ngại khi tỷ lệ người đi tiêm phòng trong thời gian qua đang giảm dần và một số lượng đáng kể người dân từ 18-59 tuổi vẫn chưa tiêm phòng.

Hải Vân/Báo Tin tức
Quốc gia đầu tiên phê duyệt thuốc Molnupiravir điều trị COVID-19
Quốc gia đầu tiên phê duyệt thuốc Molnupiravir điều trị COVID-19

Vương quốc Anh trở thành quốc gia đầu tiên phê duyệt thuốc kháng virus Molnupiravir để điều trị bệnh COVID-19 có triệu chứng ở những bệnh nhân dễ bị tổn thương. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN