Mỹ tiếp tục là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch COVID-19 trên thế giới, với 3.224.493 bệnh nhân và 135.885 ca tử vong. Tiếp đến là Brazil với 1.762.263 ca mắc và 69.316 ca tử vong, Ấn Độ với 804.861 ca mắc và 21.776 ca tử vong, Nga với 713.936 ca mắc và 11.017 ca tử vong.
Tại châu Âu, Anh và Na Uy tiếp tục nới lỏng các biện pháp phòng dịch COVID-19. Cụ thể, từ ngày 10/7, Anh bãi bỏ quy định cách ly đối với những người nhập cảnh đến từ khoảng 70 nước và vùng lãnh thổ, trong đó có Pháp và Italy, nhằm vực dậy ngành hàng không và du lịch. Trong khi đó, các bể bơi ngoài trời, trung tâm thể thao và các sân khấu biểu diễn nghệ thuật ngoài trời được mở cửa trở lại từ ngày 11/7.
Tại Na Uy, từ ngày 15/7, nước này Na Uy sẽ gỡ bỏ hạn chế đi lại đối với nhiều nước châu Âu, trong đó có Pháp, Đức và Anh, cũng như 3 trong số 21 tỉnh của quốc gia láng giềng Thụy Điển. Tính đến nay, Anh và Na Uy lần lượt ghi nhận 288.133 và 8.965 ca mắc COVID-19, trong khi số ca tử vong là 44.650 ca và 252 ca.
Trái lại, Italy và Bỉ tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp nhằm ngăn chặn dịch lây lan. Ngày 9/7, Chính phủ Italy đã ban hành sắc lệnh cấm nhập cảnh đối với người đến từ 13 nước gồm Armenia, Bahrain, Bangladesh, Bosnia-Herzegovina, Brazil, Chile, CH Dominica, Kuwait, Bắc Macedonia, Moldova, Oman, Panama và Peru. Đến nay, Italy đã ghi nhận tổng cộng 242.363 ca mắc COVID-19, trong đó có 34.926 ca tử vong.
Trong khi đó, Chính phủ Bỉ mở rộng quy định bắt buộc đeo khẩu trang trên toàn lãnh thổ từ ngày 11/7. Những người không tuân thủ quy định sẽ phải chịu án phạt lên tới 250 euro (282 USD), trong khi các cửa hàng không tuân thủ nghiêm sẽ bị buộc phải đóng cửa. Bỉ hiện xác nhận 62.357 ca mắc COVID-19 và 9.781 ca tử vong.
Tại châu Á, từ ngày 10/7, Hàn Quốc bắt đầu cấm các nhà thờ tổ chức các sự kiện quy mô nhỏ, ngoại trừ hoạt động cầu nguyện định kỳ, trong bối cảnh tình hình dịch bệnh ở Seoul và vùng phụ cận vẫn diễn biến phức tạp. Theo Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC), nước này đã ghi nhận thêm 45 ca mắc COVID-19 trong ngày 10/7, nâng tổng số ca nhiễm lên 13.338 ca. Tổng số ca tử vong hiện nay ở mức 288 ca.
Còn tại Nhật Bản, nhà chức trách khuyến cáo các hộp đêm ở nước này tuân thủ các quy định phòng dịch, sau khi các khu phố giải trí ban đêm trở thành điểm nóng dịch bệnh mới với số ca nhiễm mới liên tục tăng. Nhật Bản đến nay phát hiện khoảng 20.000 ca mắc COVID-19, trong đó 980 ca tử vong.
Trong khi đó, số ca mắc COVID-19 trong ngày ở Khu Hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) cũng tăng mạnh, buộc chính quyền vùng này phải tuyên bố đóng cửa tất cả trường học. Tính riêng ngày 10/7, số ca mắc COVID-19 ở Hong Kong đã tăng 38 ca, trong đó chủ yếu lây nhiễm trong cộng đồng, nâng tổng số ca mắc lên 1.403 ca. Đây là ngày thứ 3 liên tiếp Hong Kong có số ca lây nhiễm trong cộng đồng ở mức hai con số. Số ca tử vong là 7 ca.
Singapore cũng tiếp tục ghi nhận các ca nhiễm mới, cụ thể là 125 ca trong ngày 9/7, đưa tổng số ca nhiễm tại nước này lên 45.423 ca, trong đó có 26 ca tử vong.
Ở khu vực Trung Đông, số ca mắc COVID-19 ở Israel đã gia tăng kể từ khi nước này bắt đầu mở cửa trở lại hồi tháng 5 vừa qua. Theo số liệu của Bộ Y tế Israel, trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận thêm gần 1.500 ca mắc COVID-19, nâng tổng số bệnh nhân lên trên 35.500 ca. Đây là số ca mắc COVID-19 trong ngày cao nhất kể từ Israel phát hiện ca bệnh đầu tiên vào ngày 21/2. Trong khi đó, tổng số ca tử vong đang là 350 ca. Thủ tướng Benjamin Netanyahu thừa nhận trách nhiệm khi cho phép các cơ sở kinh doanh mở lại "quá sớm".
Tại châu Phi, Maroc gia hạn tình trạng khẩn cấp y tế trên toàn quốc thêm một tháng, đến ngày 10/8. Theo thống kê, ngày 9/7, Maroc ghi nhận thêm 308 ca mắc COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm tại quốc gia Bắc Phi này lên 15.079 ca, trong đó có 242 ca tử vong. Trước đó một ngày, Maroc thông báo sẽ từng bước mở cửa lại biên giới, theo đó cho phép khai thác trở lại các tuyến hàng không và vận tải biển quốc tế từ ngày 14/7. Tuy nhiên, trong giai đoạn đầu, các hoạt động vận chuyển hành khách quốc tế chỉ áp dụng đối với công dân Maroc ở trong và ngoài nước.
Trong khi đó, tình hình dịch tại Ai Cập và Sudan có chiều hướng lắng dịu. Ngày 9/7, Ai Cập ghi nhận thêm 950 ca mắc COVID-19, nâng tổng số ca bệnh ở nước này lên 79.254 ca. Đây là số ca nhiễm trong ngày thấp nhất ở Ai Cập kể từ ngày 28/5 vừa qua. Số ca tử vong trong ngày 9/7 tăng thêm 53 ca lên 3.617 ca. Đây cũng là số ca tử vong trong ngày thấp nhất kể từ ngày 13/6 vừa qua.
Tại Sudan, cơ quan hàng không dân dụng nước này đã quyết định mở lại sân bay Khartoum cho các chuyến bay chở khách từ Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE). Đến nay, Sudan ghi nhận 10.204 ca mắc COVID-19 và 649 ca tử vong.