'Cuộc sát hạch' lớn của WHO 

Trong lịch sử hơn 70 năm hình thành và phát triển, có lẽ chưa khi nào Tổ chức Y tế thế giới (WHO), với vai trò chính là dẫn dắt và điều phối các vấn đề sức khỏe và y tế cộng đồng trên bình diện quốc tế, lại đứng trước một thách thức lớn như đại dịch COVID-19.

Chú thích ảnh
Biểu tượng của Tổ chức Y tế thế giới tại trụ sở ở Geneva, Thụy Sĩ. Ảnh: AFP/TTXVN

Cuộc khủng hoảng mang tên COVID-19 không chỉ ảnh hưởng tới uy tín của WHO, mà còn buộc WHO phải tìm lời giải cho bài toán hóc búa: Xác định lại đường hướng hoạt động và cải tổ mạnh mẽ để có thể đáp ứng những yêu cầu mới, trước hết là ứng phó hiệu quả với những bệnh dịch trong tương lai. 

Ra đời ngày 7/4/1948 - sau Chiến tranh Thế giới thứ Hai, với sứ mệnh lịch sử là giúp ngăn ngừa dịch bệnh và chăm sóc sức khỏe con người, WHO đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận trên lĩnh vực y tế như như xóa bỏ bệnh đậu mùa năm 1979, xây dựng và thông qua Công ước khung về kiểm soát thuốc lá, giảm 99% số ca mắc bệnh bại liệt năm 2006 so với năm 1956, ngăn ngừa và kiểm soát các dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như dịch SARS (2003), cúm gia cầm (2009), Ebola (2014)...

Cũng nhờ WHO mà LHQ công nhận quyền của người dân được chăm sóc y tế thỏa đáng là một trong những quyền con người. Bước chuyển về chất của WHO là việc xác lập sứ mệnh không chỉ ngăn ngừa và xóa sổ đại dịch bệnh trên thế giới mà còn đưa ra nội hàm mới cho khái niệm “Y tế và sức khỏe”, cụ thể là bao gồm phòng ngừa dịch bệnh và bệnh tật, tư vấn y tế, tuyên truyền giải thích về y tế và sức khỏe, chữa bệnh và xây dựng hệ thống y tế hoạt động hiệu quả ở mọi nơi trên thế giới. Qua đó có thể thấy, vai trò của WHO với trong công cuộc đẩy lùi đại dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe và chữa bệnh cho người dân trên toàn cầu là không thể phủ nhận. 

Tuy nhiên, những năm gần đây, khi chủ nghĩa đa phương bị xói mòn, vai trò của WHO cũng có dấu hiệu suy giảm, đặc biệt sau khi đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 bùng phát trên toàn cầu hồi đầu năm nay. Đại dịch COVID-19 đã phần nào bộc lộ sự thiếu hiệu quả trong hoạt động của WHO và là lý do để Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định “quay lưng” với tổ chức này sau hơn 70 năm là thành viên có đóng góp lớn nhất về tài chính. Đại dịch cũng khiến WHO rơi vào cuộc khủng hoảng niềm tin. 

WHO thời gian qua liên tục bị chỉ trích là chưa đánh giá đúng về mức độ dịch bệnh và phản ứng chậm chạp, đặc biệt trong việc công bố đại dịch, khiến các nước không kịp thời phản ứng, dẫn tới đại dịch lây lan ra khắp thế giới với tốc độ nhanh chóng. Thực tế là tới thời điểm ngày 11/3, khi WHO chính thức tuyên bố COVID-19 là đại dịch toàn cầu, đồng nghĩa với việc tất cả các nước  cần có hành động khẩn cấp và quyết liệt để kiểm soát tình hình và khống chế sự lây lan của virus, thế giới đã ghi nhận trên 118.000 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 và khoảng 4.500 ca tử vong tại ít nhất 114 quốc gia và vùng lãnh thổ ở khắp các châu lục (chỉ trừ châu Nam cực), sau khoảng 2 tháng dịch bùng phát ở Trung Quốc.  

Một số ý kiến cho rằng WHO đã không nhận định đúng về tình hình và không nắm bắt được diễn biến lây lan của virus, dẫn tới đưa ra những khuyến cáo không chính xác. Đơn cử như hồi đầu tháng 2, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus từng kêu gọi các nước tiếp tục mở cửa biên giới, nhấn mạnh không nên có những biện pháp "can thiệp không cần thiết vào hoạt động đi lại và giao thương quốc tế", hoặc những hướng dẫn thiếu nhất quán của WHO về vấn đề sử dụng khẩu trang. Điều đó phần làm khiến vai trò dẫn dắt và điều phối của WHO trong nỗ lực toàn cầu ứng phó với đại dịch bị ảnh hưởng đáng kể, trong bối cảnh mà cộng đồng quốc tế cần tới WHO hơn bao giờ hết. 

Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng COVID-19 cũng bộc lộ sự chia rẽ sâu sắc và những bất đồng giữa các nước thành viên WHO. Dường như ý kiến của WHO không được tất cả các quốc gia thành viên "lắng nghe" và tổ chức này cũng gặp khó khăn khi muốn thuyết phục các nước. Khi xảy ra khủng hoảng, không ít quốc gia thành viên WHO vẫn ứng xử theo kiểu "mạnh nước nào nước ấy lo", không để WHO có cơ hội thể hiện vai trò lãnh đạo trong vấn đề sức khỏe của người dân toàn cầu.

Đơn cử như đối với dịch COVID-19 lần này, WHO bị chỉ trích chậm trễ công bố đại dịch khiến các nước "trở tay không kịp", song năm 2009, khi WHO tuyên bố đại dịch cúm A/H1N1, thì sau đó cũng bị chỉ trích là "gây ra tình trạng hoảng loạn không cần thiết, khiến các cơ sở cấp cứu quá tải và khiến nhiều nước phải bội chi để mua thuốc kháng virus".

Vấn đề kinh phí hoạt động của WHO cũng là một rào cản. WHO có nguồn tài chính rất khiêm tốn. Ngân sách dành cho WHO giai đoạn 2018-2019 là 4,4 tỷ USD, chỉ gần gấp đôi so với ngân sách hoạt động của Bệnh viện đại học Geneva, Thụy Sĩ. Giáo sư Luật Y tế công tại Đại học Georgetown (Mỹ) Lawrence Gostin đánh giá ngân sách của WHO chỉ “tương đương với một bệnh viện lớn tại Mỹ, tức là hết sức hạn hẹp so với trọng trách mà WHO đang phải gánh vác”.

Trên thực tế, WHO chỉ nhận được tổng tài trợ 2,5 tỷ USD/ năm và ngân sách này không tăng thêm trong hơn 3 thập niên qua, không đủ để tổ chức triển khai các hoạt động trên toàn cầu. Chi phí đóng góp của 194 quốc gia thành viên hiếm khi đúng hạn, và số tiền đó cũng chỉ chiếm 1/5 tổng số ngân sách của WHO. 80% còn lại là các nguồn đóng góp tự nguyện từ các nước, tổ chức và cá nhân như vợ chồng tỉ phú Bill Gates. Vấn đề là các nhà hảo tâm khi tài trợ cho WHO thường đòi hỏi khoản tiền này được đầu tư vào đâu, mà lựa chọn đó không phải lúc nào cũng phù hợp với các ưu tiên của WHO. 

Bởi vậy, việc Mỹ tuyên bố cắt đứt mối quan hệ với WHO bị cho là “bước thụt lùi” trong hợp tác y tế toàn cầu, tác động trước mắt tới nguồn tài chính của WHO. Mỹ hiện là nhà tài trợ lớn nhất của WHO, riêng trong năm 2019 đã đóng góp hơn 400 triệu USD, chiếm khoảng 15% ngân sách của tổ chức này. Nếu WHO suy yếu thì chắc chắc thế giới sẽ càng khó có khả năng đối phó với các dịch bệnh trong tương lai.

Ngoài tác động trực tiếp đến “túi tiền” của WHO, việc Mỹ ra khỏi WHO còn gián tiếp làm suy yếu nỗ lực chống đại dịch COVID-19 trên toàn cầu. Cụ thể, các chương trình thử nghiệm lâm sàng vốn rất cần thiết cho sự phát triển vaccine và thuốc điều trị bệnh COVID-19 có thể sẽ bị đình trệ do thiếu ngân sách, trong bối cảnh WHO là cơ quan y tế duy nhất đóng vai trò dẫn dắt cuộc chiến toàn cầu chống đại dịch. Nỗ lực phát triển vaccine phòng ngừa COVID-19 càng bị ảnh hưởng thì càng kéo lùi các kế hoạch mở cửa trở lại trên toàn cầu, gây ra những thiệt hại kinh tế không dễ khắc phục trong một sớm một chiều. 

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Moskva, Nga. Ảnh: AFP/TTXVN

Tại khóa họp lần thứ 73 Đại hội đồng Tổ chức Y tế thế giới (WHA) tổ chức vào giữa tháng 5, nhiều nước nhất trí về sự cần thiết phải cải cách WHO để tổ chức này có thể ứng phó hiệu quả hơn với những thách thức y tế trong thế kỷ 21. Trước đó, trong hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) do Tổng thống Mỹ Donald Trump tổ chức, lãnh đạo các nước cũng yêu cầu "xem xét và cải tổ triệt để" cơ quan y tế của LHQ. Có thể thấy một cuộc cải cách sâu rộng, từ hệ thống tài trợ đến mô hình hoạt động, là cần thiết để cải thiện hiệu quả hoạt động của WHO trong bối cảnh diễn biến tình hình dịch bệnh khó lường hiện nay. 

Tuy nhiên, một thách thức không nhỏ là các biện pháp cải cách sẽ khó có thể đạt hiệu quả nếu không có sự tham gia của Mỹ với tư cách là một quốc gia thành viên chủ chốt. Nhiều nước đã khẳng định lập trường ủng hộ vai trò dẫn dắt của WHO và kêu gọi Mỹ cân nhắc lại quyết định để hợp tác với cộng đồng quốc tế khống chế đại dịch.

Đến thời điểm này, COVID-19 đã cướp đi sinh mạng của hơn 550.000 người, khiến gần 12.500.000 người bị nhiễm, trong khi số ca mắc mới hằng ngày vẫn có xu hướng tăng ở nhiều điểm nóng dịch. Ngay tại Mỹ, cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới, số ca nhiễm mới vẫn liên tục ở mức trên 50.000 ca/ngày.

Cuộc chiến chống COVID-19 được đánh giá còn hết sức gian nan khi thế giới đang đối mặt với những làn sóng lây nhiễm thứ hai, thứ ba. Không chỉ WHO, mà cả cộng đồng quốc tế đang trải qua "cuộc sát hạch” lịch sử mang tên đại dịch COVID-19, mà có lẽ chỉ có sự đoàn kết đồng lòng, vượt qua mọi bất đồng và khác biệt mới có thể giúp thế giới sớm đẩy lùi được virus SARS-CoV-2.

Phan An (TTXVN)
Nga thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối vắc-xin COVID-19
Nga thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối vắc-xin COVID-19

Bộ Quốc phòng Nga thông báo nước này bắt đầu triển khai giai đoạn thử nghiệm lâm sàng cuối cùng đối với ứng viên vắc-xin ngừa COVID-19.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN