Slovakia sẽ kiện ra tòa về quyết định phân bổ hạn ngạch

Ngày 23/9, Thủ tướng Slovakia Robert Fico tuyên bố Slovakia sẽ có hành động pháp lý phản đối việc Liên minh châu Âu (EU) áp đặt hạn ngạch phân bổ 120.000 người tị nạn cho các quốc gia thành viên.


Người di cư bắt tàu hỏa đến Hegyeshalom (Hungary) sau đó đi bộ đến biên giới Áo. Ảnh: The New York Times


Truyền thông Slovakia dẫn lời Thủ tướng Fico nhấn mạnh Slovakia sẽ không triển khai quyết định của EU và sẽ kiện lên Tòa án Công lý EU tại Luxembourg về quyết định này. Đây là cơ quan chuyên giải quyết các tranh cãi về cách thức hiểu và thực thi các đạo luật của EU. Thủ tướng Fico nêu rõ quan điểm của Slovakia rằng việc áp đặt các hạn ngạch như trên là không thực tế, đồng thời gọi kế hoạch áp hạn ngạch vừa được thông qua là “điều luật của số đông”.

Phát biểu trên được đưa ra sau khi các bộ trưởng nội vụ EU với đa số phiếu ủng hộ đã thông qua kế hoạch tái phân bổ 120.000 người tị nạn hiện đang ở Hy Lạp và Italy tới các nước thành viên, bất chấp sự phản đối gay gắt của các quốc gia Trung và Đông Âu.

Trong cuộc bỏ phiếu tại hội nghị bộ trưởng nội vụ EU đêm 22/9, Slovakia cùng CH Séc, Romania và Hungary đã bỏ phiếu chống.

Séc cũng cảnh báo sẽ khiếu nại nếu bị áp hạn ngạch tiếp nhận người di cư. Tuyên bố trên được Séc đưa ra trong bối cảnh hạn ngạch phân bổ mới 120.000 người hiện đang tạm trú tại Italy, Hy Lạp và Hungary đã được đa số Bộ trưởng Nội vụ các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) thông qua tại cuộc họp ngày 22/9 ở Brussels (Bỉ).

Theo phóng viên TTXVN tại Praha ngày 22/9, Bộ Nội vụ Séc tuyên bố việc áp đặt hạn ngạch tiếp nhận người di cư và tị nạn có thể trái với Tuyên ngôn Nhân quyền quốc tế được Đại Hội đồng Liên hợp quốc (ĐHĐ LHQ) thông qua năm 1948. Vì vậy, Phó Thủ tướng Séc Pavel Belobradek tuyên bố trong trường hợp bị áp đặt hạn ngạch, nước này có thể khiếu nại lên Tòa án Tư pháp châu Âu.

Quốc vụ khanh phụ trách các vấn đề châu Âu của CH Séc, ông Tomas Prouza, cho biết nước này vẫn tiếp tục yêu cầu bảo lưu nguyên tắc tiếp nhận tự nguyện người di cư và sẵn sàng xem xét đơn của tất cả những người di cư xin tị nạn tại Séc, như đã thực hiện đối với những người tị nạn Syria đến đây trong những tháng qua.

Theo ông, tại Hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp của EU thảo luận về việc giải quyết cuộc khủng hoảng di cư trong ngày 23/9, nguyên thủ các nước thành viên cần bàn thảo hai vấn đề có liên quan mật thiết với nhau. Thứ nhất, cần tích cực giúp đỡ những người tị nạn đang trốn chạy khỏi các cuộc nội chiến.

Thứ hai, cần nhanh chóng giải quyết vấn đề hồi hương những người không được chấp nhận tị nạn. Ngoài việc nhận định cơ chế châu Âu đang vận hành không hiệu quả trong giải quyết vấn đề hồi hương người tị nạn, Quốc vụ khanh Prouza còn cho rằng lãnh đạo châu lục này cần xem xét lại quy định người di cư phải đăng ký tị nạn tại quốc gia EU đầu tiên mà người đó đặt chân đến hiện có còn hiệu lực hay không, bởi theo ông, việc tạo lập những hành lang cho người di cư, tái phân bổ người tị nạn chẳng khác nào phủ nhận những nguyên tắc thỏa thuận trước đây.

Trước đó, ngày 21/9, các Bộ trưởng Ngoại giao nhóm “Bộ Tứ Visegrad” (Séc, Slovakia, Ba Lan và Hungary) cùng Luxembourg và Latvia đã nhóm họp tại thủ đô Praha và đã không thể thống nhất một lập trường chung về giải quyết vấn đề người di cư. Cho đến nay “Bộ Tứ Visegrad” vẫn kiên quyết bác bỏ hạn ngạch do Ủy ban châu Âu (EC) đề xuất về việc tái định cư cho 120.000 người hiện đang tạm trú tại Italy, Hy Lạp và Hungary.

TTXVN/Tin Tức
Châu Âu tìm cách tiếp cận toàn diện cho cuộc khủng hoảng di cư
Châu Âu tìm cách tiếp cận toàn diện cho cuộc khủng hoảng di cư

Ngày 23/9, lãnh đạo 28 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) tiến hành cuộc họp thượng đỉnh không chính thức tại Brussels (Bỉ) để thảo luận về các biện pháp bổ sung nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng người di cư.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN