Trang mạng nationalpost.com cho hay Bộ Ngoại giao Singapore đưa ra tuyên bố trên sau một cuộc hội đàm tại Singapore giữa Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi và Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan ngày 18/2.
Trước đó, Ngoại trưởng Retno Marsudi ngày 17/2 cho biết Quốc vương Brunei Hassanal Bolkiah cũng tán thành ý tưởng tổ chức cuộc họp khẩn cấp của ASEAN để thảo luận về tình hình hiện nay ở Myanmar. Bà Retno Marsudi nói với các phóng viên rằng khi bà thăm Brunei - quốc gia hiện là Chủ tịch luân phiên ASEAN, Quốc vương Hassanal Bolkiah đã khẳng định các ngoại trưởng ASEAN nên "tổ chức cuộc họp".
Trong cuộc hội đàm với Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin tại Jakarta hồi đầu tháng này, Tổng thống Indonesia, ông Joko Widodo cũng đã đề xuất tổ chức cuộc họp đặc biệt của ASEAN.
Tuần trước, phát biểu tại Phiên họp đặc biệt lần thứ 29 theo hình thức trực tuyến của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (LHQ) tại Geneva, Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam bên cạnh LHQ, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva, đã nêu lên quan điểm của Việt Nam trong vấn đề này.
Theo Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai, là nước trong khu vực và cùng là thành viên ASEAN, Việt Nam theo dõi sát các diễn biến tại Myanmar và hy vọng Myanmar sẽ sớm ổn định tình hình để xây dựng và phát triển đất nước vì hòa bình, ổn định cũng như hợp tác trong khu vực, tiếp tục đóng góp vào tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN. Đại sứ nêu rõ: “Việt Nam kêu gọi cộng đồng quốc tế và các đối tác phát triển tiếp tục hỗ trợ tiến trình chuyển tiếp dân chủ tại Myanmar, phù hợp với mong muốn và lợi ích của người dân Myanmar”.
Myanmar tuyên bố tình trạng khẩn cấp, áp đặt lệnh giới nghiêm ban đêm tại nhiều khu vực của đất nước sau khi quân đội bắt giữ các lãnh đạo chính phủ, các thủ hiến vùng và bang và các thành viên cấp cao của đảng Liên đoàn quốc gia vì dân chủ (NLD) ngày 1/2. Quân đội Myanmar cho rằng có nhiều gian lận trong cuộc tổng tuyển cử vào tháng 11/2020 tại nước này, trong đó NLD giành đa số ghế ở cả hai viện Quốc hội, song Ủy ban bầu cử liên bang Myanmar bác bỏ cáo buộc trên. Tổng Tư lệnh các lực lượng vũ trang Min Aung Hlaing hiện nắm quyền điều hành đất nước.
Trước diễn biến bất ổn ở Myanmar, Hội đồng Bảo an LHQ và một số nước đã kêu gọi quân đội Myanmar trả tự do cho Cố vấn nhà nước Aung San Suu Kyi và những người khác đang bị giam giữ, đồng thời bày tỏ hy vọng các bên ở Myanmar sẽ đạt được một giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay.
Trong tuyên bố chung, đại sứ quán của Liên minh châu Âu (EU), Anh, Canada và 11 quốc gia khác đã thể hiện sự ủng hộ đối với mong muốn "dân chủ, tự do, hòa bình, thịnh vượng" của người dân Myanmar, khẳng định thế giới đang theo dõi sát tình hình quốc gia Đông Nam Á này. Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres kêu gọi quân đội Myanmar cho phép Đặc phái viên của LHQ về Myanmar Christine Schraner Burgener tới nước này để đánh giá tình hình.
Trong diễn biến liên quan, quân đội Myanmar ngày 16/2 cam kết sẽ tổ chức bầu cử và chuyển giao quyền lực, đồng thời phủ nhận việc tiến hành điều mà nhiều phương tiện truyền thông gọi là đảo chính, cũng như cáo buộc làn sóng biểu tình trong nước hiện nay có hành vi bạo lực.
Tại cuộc họp báo đầu tiên từ ngày 1/2, Phát ngôn Hội đồng Hành chính Nhà nước, Thiếu tướng Zaw Min Tun cho biết quân đội sẽ không nắm quyền lâu và mục tiêu là tổ chức bầu cử để chuyển giao quyền lực cho bên chiến thắng. Trong thời gian đó, chính sách đối ngoại của Myanmar không thay đổi. Myanmar vẫn duy trì cởi mở với doanh nghiệp và tuân thủ các thỏa thuận quốc tế. Tuy nhiên, đến nay thời điểm tổ chức bầu cử vẫn chưa được công bố.