Cuộc họp có sự tham dự của Phó Cao ủy Nhân quyền LHQ Nada Al-Nashif, đại diện các nước và tổ chức quốc tế như Quỹ Nhi đồng LHQ và một số tổ chức quốc tế phi chính phủ.
Theo phóng viên TTXVN tại Geneva, tại phiên họp đã có 30/47 nước thành viên Hội đồng Nhân quyền và 37 nước quan sát viên đưa ra các bài phát biểu. Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam bên cạnh LHQ, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva, cũng đã nêu lên quan điểm của Việt Nam trong vấn đề này. Theo bà Lê Thị Tuyết Mai, là nước trong khu vực và cùng là thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Việt Nam theo dõi sát các diễn biến tại Myanmar và hy vọng Myanmar sẽ sớm ổn định tình hình để xây dựng và phát triển đất nước vì hòa bình, ổn định cũng như hợp tác trong khu vực, tiếp tục đóng góp vào tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN. Đại sứ nêu rõ: “Việt Nam kêu gọi cộng đồng quốc tế và các đối tác phát triển tiếp tục hỗ trợ tiến trình chuyển tiếp dân chủ tại Myanmar, phù hợp với mong muốn và lợi ích của người dân Myanmar”.
Cũng tại Phiên họp đặc biệt này, có một số ý kiến cho rằng những gì đang diễn ra tại Myanmar là công việc nội bộ của quốc gia này. Trên cơ sở tôn trọng chủ quyền, độc lập chính trị, toàn vẹn lãnh thổ và đoàn kết dân tộc của Myanmar, cộng đồng quốc tế cần hỗ trợ các bên ở Myanmar tiến hành đối thoại và hòa giải, phù hợp với lợi ích của người dân nước này. Ở góc độ của mình, Hội đồng Nhân quyền LHQ nên tập trung hỗ trợ giải quyết các vấn đề của Myanmar thay vì làm phức tạp tình hình.
Đại sứ, Trưởng Phái đoàn thường trực của Myanmar bên cạnh LHQ, ông Myint Thu nhấn mạnh trong bối cảnh có những bất thường hậu bầu cử và tình hình phức tạp tại Myanmar, quân đội nước này buộc phải thực hiện trách nhiệm phù hợp với Hiến pháp. Cũng theo Đại sứ Myint Thu, tình trạng khẩn cấp đã được ban bố ở Myanmar từ ngày 1/2 và kéo dài một năm. Các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp của Nhà nước Myanmar được chuyển từ quyền Tổng thống sang cho Tổng tham mưu trưởng quân đội. Hội đồng hành chính nhà nước cũng đã được thành lập ngày 2/2 với 16 thành viên, gồm 8 sỹ quan cao cấp của quân đội và 8 thành viên dân sự.
Đại sứ Myint Thu nhấn mạnh Myanmar đang phải đối mặt với những thách thức vô cùng phức tạp và đang trong giai đoạn chuyển tiếp. Vì thế nước này mong muốn nhận được sự thấu hiểu và hợp tác mang tính xây dựng của cộng đồng quốc tế. Đại sứ Myint Thu cam kết Myanmar sẽ tiếp tục hợp tác với LHQ và ASEAN để đạt được hòa bình, ổn định lâu dài và phát triển bền vững vì lợi ích của người dân Myanmar.
Theo thông báo, vào cuối phiên họp, theo đệ trình của Anh và EU, các thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ (47 nước, trong đó có 2 nước ASEAN là Indonesia và Philippines) đã thảo luận và đồng thuận thông qua Nghị quyết “Tình hình nhân quyền Myanmar trong bối cảnh khủng hoảng chính trị tại nước này”. Nghị quyết bày tỏ quan ngại về cuộc đảo chính và các hành động vi phạm nhân quyền tại Myanmar; yêu cầu Cao ủy nhân quyền theo dõi và đánh giá tình hình nhân quyền tại Myanmar; cập nhật cho Hội đồng Nhân quyền tại Khóa họp 47 dự kiến diễn ra từ ngày 21/6-9/7 và trình Khóa họp 48 (dự kiến diễn ra từ ngày 13/9-1/10) một văn bản đánh giá toàn diện về tình hình nhân quyền tại Myanmar.
Tuy nhiên, trong phần phát biểu giải thích phiếu, một số nước như Trung Quốc, Nga, Venezuela, Bolivia và Philippines thông báo các nước này không đồng thuận với nghị quyết trên. Trước đó, Đại sứ Myanmar cũng nói rõ việc Hội đồng Nhân quyền LHQ thông qua nghị quyết về một quốc gia cụ thể là không thể chấp nhận được và Myanmar không ủng hộ dự thảo nghị quyết.