Biểu tình leo thang, Myanmar mở rộng lệnh giới nghiêm và cấm tụ tập đông người

Ngày 9/2, nhà chức trách Myanmar đã ban bố lệnh giới nghiêm và cấm tụ tập quá 4 người, trong bối cảnh các cuộc biểu tình đang có xu thế leo thang.

Chú thích ảnh
Xe quân sự tuần tra trên đường phố tại Mandalay, Myanmar, ngày 3/2/2021. Ảnh: AFP/ TTXVN

Theo hãng tin Kyodo, nhà cầm quyền Myanmar đã ban bố lệnh giới nghiêm và cấm tụ tập quá 4 người tại thủ đô Naypyitaw.

Dù chính quyền đã khuyến cáo người dân kiềm chế, tôn trọng luật pháp và tránh bạo lực, song làn sóng biểu tình phản đối vụ quân đội bắt giữ các nhà lãnh đạo của đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) cầm quyền hồi tuần trước, trong đó có Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi, vẫn lan rộng ra nhiều thành phố của Myanmar, trong đó có thủ đô hành chính Naypyitaw và trung tâm thương mại lớn của đất nước là Yangon.

Đến 9/2, biểu tình đã bước sang ngày thứ tư khi hàng chục nghìn người đổ ra các đường phố tại những đô thị lớn để bày tỏ bất bình với vụ bắt giữ. Tại Yangon, người biểu tình án ngữ trước trụ sở chính của đảng NLD, hô vang các khẩu hiệu như "Chúng tôi muốn dân chủ". Nhà chức trách trước đó đã áp đặt lệnh giới nghiêm từ 20 ngày hôm trước tới 4 giờ sáng hôm sau, đồng thời cấm tụ tập quá 5 người ở Yangon, trong nỗ lực đảm bảo an ninh trật tự và ổn định.

Theo Kyodo, các cuộc biểu tình đã diễn ra trong hòa bình và biểu tình có đông người tham gia nhất diễn ra vào đêm 8/2, với khoảng 100.000 trên phạm vi toàn quốc. Reuters dẫn lời một nhân chứng cho biết, ngày 9/2, cảnh sát đã phải dùng hơi cay và bắn chỉ thiên để giải tán những người biểu tình ở Mandalay - thành phố lớn thứ hai của Myanmar.

Thông báo trên trang Facebook của đơn vị thông tin True News thuộc quân đội Myanmar nêu rõ các khu vực bị cấm tụ tập đông người còn có một số thị trấn tại khu vực Magwe, bang Kachin, Kayah, Mon và Shan....

Chú thích ảnh
Binh sĩ gác tại một điểm kiểm soát ở Mandalay, Myanmar, ngày 2/2/2021. Ảnh: AFP/ TTXVN

Trước đó, Ngày 8/2, giới chức Myanmar cho biết nhà chức trách đã ban bố thiết quân luật tại 7 thị trấn ở Mandalay - thành phố lớn thứ hai của nước này. Tình trạng thiết quân luật có hiệu lực cho đến khi có thông báo tiếp theo. Nhà chức trách cũng đưa ra tuyên bố tương tự tại một thị trấn ở vùng Ayeyarwaddy phía Nam.

Myanmar rơi vào bất ổn sau khi quân đội Myanmar can thiệp nhằm ngăn chặn Quốc hội triệu tập phiên họp đầu tiên và thông qua chính phủ mới của NLD. Văn phòng Tổng thống Myanmar đã ban bố tình trạng khẩn cấp trong 1 năm sau khi quân đội Myanmar bắt giữ các lãnh đạo chính phủ, các thủ hiến vùng và bang và các thành viên cấp cao của đảng NLD vào rạng sáng 2/2.

Bà San Suu Kyi, 75 tuổi, đã bị bắt giữ với cáo buộc vi phạm Luật xuất nhập khẩu, trong khi Tổng thống U Win Myint bị bắt giữ với cáo buộc ông và gia đình đã gặp gỡ một số người trong chiến dịch tranh cử của đảng NLD cầm quyền vào ngày 20/9/2020 trước khi diễn ra cuộc tổng tuyển cử vào tháng 11 và bị buộc tội vi phạm các biện pháp liên quan đến dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 theo Luật xử lý thiên tai.

Trước diễn biến chính trị ở Myanmar, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và một số nước kêu gọi quân đội Myanmar trả tự do cho Cố vấn nhà nước Aung San Suu Kyi và những người khác đang bị giam giữ, đồng thời bày tỏ hy vọng các bên ở Myanmar sẽ đạt được một giải pháp hòa bình cho bất ổn chính trị hiện nay.

Chú thích ảnh
Tổng Tư lệnh các lực lượng vũ trang Myanmar Min Aung Hlaing phát biểu tại cuộc họp ở Naypyidaw, ngày 2/2/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày 8/2, Tổng Tư lệnh các lực lượng vũ trang Myanmar Min Aung Hlaing khẳng định Myanmar sẽ duy trì hợp tác hữu nghị với tất cả các nước, đồng thời nhấn mạnh chính sách đối ngoại của nước này sẽ không thay đổi.

Trong thông điệp đầu tiên phát trên truyền hình sau khi tuyên bố tình trạng khẩn cấp kéo dài một năm, Tổng Tư lệnh Min Aung Hlaing nêu rõ trong giai đoạn này sẽ không có thay đổi nào trong các chính sách của Myanmar về đối ngoại, quản trị và kinh tế, và Myanmar sẽ tiếp tục con đường chính trị hiện nay.

Với tư cách Chủ tịch Hội đồng điều hành nhà nước Myanmar, ông Min Aung Hlaing nhắc lại lộ trình 5 điểm trong giai đoạn thực thi tình trạng khẩn cấp. Trong khuôn khổ lộ trình này, Ủy ban bầu cử liên bang Myanmar đã rà soát lại tiến trình bầu cử vào năm ngoái.

 Ông Min Aung Hlaing nêu rõ các biện pháp phòng dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 hiện nay sẽ tiếp tục được thực hiện, chú trọng việc phân phối vaccine trên toàn quốc. Các biện pháp hỗ trợ những doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi COVID-19 đang được triển khai, theo đó ông kêu gọi đầu tư cả trong và ngoài nước. Ông Min Aung Hlaing cũng nhấn mạnh các kế hoạch nhằm đạt được hòa bình lâu dài trên cả nước phù hợp với thỏa thuận ngừng bắn toàn quốc, cũng như kêu gọi hợp tác giữa các cộng đồng sắc tộc và các tổ chức vũ trang sắc tộc nhằm đạt được hòa bình lâu dài.

Hội đồng điều hành nhà nước sẽ tổ chức các cuộc bầu cử tự do, công bằng, theo đó quyền lực nhà nước sẽ được trao cho đảng nào giành chiến thắng theo đúng các chuẩn mực về dân chủ, sau khi hội đồng này hoàn thành các nhiệm vụ trong khuôn khổ thực thi tình trạng khẩn cấp.

Thanh Tuấn/Báo Tin tức
Tư lệnh quân đội Myanmar khẳng định không thay đổi chính sách đối ngoại 
Tư lệnh quân đội Myanmar khẳng định không thay đổi chính sách đối ngoại 

Ngày 8/2, Tổng Tư lệnh các lực lượng vũ trang Myanmar Min Aung Hlaing khẳng định Myanmar sẽ duy trì hợp tác hữu nghị với tất cả các nước, đồng thời nhấn mạnh chính sách đối ngoại của nước này sẽ không thay đổi.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN