Thành phần tham dự cuộc họp tại Phủ Tổng thống Myanmar gồm Tổng Tư lệnh các lực lượng vũ trang Min Aung Hlaing, quyền Tổng thống U Myint Swe và 9 bộ trưởng mới được bổ nhiệm.
Tại cuộc họp, ông Min Aung Hlaing đã công bố những kế hoạch tiếp theo được thực hiện trong thời gian Myanmar áp đặt tình trạng khẩn cấp. Các kế hoạch bao gồm mở cửa lại các cơ sở tôn giáo, khôi phục hoạt động kinh doanh du lịch và khách sạn trong nước, cũng như các lĩnh vực khác phù hợp với các quy tắc và quy định nhằm ngăn ngừa dịch COVID-19, đồng thời giúp phục hồi nền kinh tế đất nước, tạo cơ hội việc làm cho những người thất nghiệp và kịp thời hồi hương công dân Myanmar từ nước ngoài. Ông cũng kêu gọi các thành viên Nội các tuân thủ các nguyên tắc để cải thiện tình hình đất nước thông qua tham vấn đa phương.
Văn phòng Tổng thống Myanmar đã ban bố tình trạng khẩn cấp trong một năm sau khi quân đội Myanmar bắt giữ các lãnh đạo chính phủ, các thủ hiến vùng và bang và các thành viên cấp cao của đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) cầm quyền vào rạng sáng 2/2. Tổng Tư lệnh các lực lượng vũ trang Min Aung Hlaing hiện đang nắm quyền điều hành đất nước.
Trước diễn biến chính trị bất ngờ tại Myanmar, ngày 2/2, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (LHQ) đã triệu tập một cuộc họp khẩn cấp về Myanmar. Tuy nhiên, cuộc họp chưa thể ra tuyên bố chung do Trung Quốc và Nga đề nghị có thêm thời gian thảo luận.
Theo dự thảo tuyên bố mà hãng tin AFP có được, HĐBA LHQ dự kiến kêu gọi quân đội Myanmar trao trả quyền lực cho chính quyền dân sự và trả tự do cho những quan chức cấp cao bị bắt giữ. Dự thảo tuyên bố do Anh soạn thảo cũng sẽ yêu cầu Myanmar dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp và "tất cả các bên tuân thủ các chuẩn mực dân chủ". Dự thảo này cần được Trung Quốc - quốc gia có quyền phủ quyết với tư cách là thành viên thường trực của HĐBA, thông qua.
Cũng tại cuộc họp khẩn của HĐBA, Đặc phái viên của LHQ tại Myanmar, bà Christine Schraner Burgener, khẳng định việc quân đội Myanmar tuyên bố tình trạng khẩn cấp và bắt giữ các lãnh đạo dân sự là "vi hiến". Bà cho rằng đề xuất của quân đội về việc tổ chức bầu cử cần bị bác bỏ, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải đảm bảo sự an toàn và các quyền cơ bản của người dân Myanmar cũng như ngăn bạo lực bùng phát.
Trong bối cảnh đó, Anh, Israel, Séc và Ba Lan đã lên tiếng kêu gọi quân đội Myanmar trả tự do cho Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi và các quan chức cấp cao khác.
Theo phóng viên TTXVN tại Tel Aviv, tuyên bố của Bộ Ngoại giao Israel cho biết Israel quan ngại và đang theo dõi sát tình hình tại Myanmar, đồng thời bày tỏ tiếp tục ủng hộ người dân Myanmar và tiến trình dân chủ hóa, kêu gọi duy trì hòa bình, trật tự và luật pháp tại quốc gia này, đồng thời ngăn chặn bạo lực".
Trong khi đó, phát biểu trước Quốc hội Anh, Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Nigel Adams phụ trách khu vực Châu Á khẳng định bà Aung San Suu Kyi là người thắng cử hợp pháp trong cuộc bầu cử tại Myanmar. Chung quan điểm trên, Bộ Ngoại giao Séc ra tuyên bố bày tỏ sự ủng hộ đối với các nhà lãnh đạo hợp pháp của Myanmar và kêu gọi tôn trọng kết quả cuộc bầu cử Quốc hội Myanmar hồi tháng 11/2020. Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Ba Lan kêu gọi tuân thủ các nguyên tắc dân chủ và khôi phục trật tự hiến pháp.