Theo Đài RT, Serbia đã chính thức bác bỏ việc cung cấp vũ khí cho Ukraine trong bối cảnh cuộc xung đột đang diễn ra với Nga.
Trong một tuyên bố được đưa ra vào ngày 3/3, Ngoại trưởng Serbia Ivica Dacic khẳng định Belgrade không cung cấp vật tư chiến tranh cho bất kỳ bên nào trong cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine hoặc thực hiện các chuyến giao hàng đến bất kỳ điểm đến “gây tranh cãi” nào khác.
Ngoại trưởng Dacic cho biết: “Serbia không xuất khẩu vũ khí và thiết bị quân sự cho những nước mà chúng tôi tin rằng việc đó có thể dẫn tới tranh chấp và gây ra vấn đề”, đồng thời nhấn mạnh ông bác bỏ tất cả các thông tin được công bố bởi một số phương tiện truyền thông về việc Serbia cung cấp vũ khí cho Ukraine.
Theo Đài RT, những tuyên bố tương tự cũng được Bộ Quốc phòng Serbia đưa ra cùng với khẳng định rằng không tồn tại bất cứ sự cho phép nào về việc cung cấp vũ khí cho Nga hoặc Ukraine kể từ khi hai bên bắt đầu chiến sự.
Tuyên bố viết: “Kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột ở Ukraine, không một quả tên lửa, quả mìn hay quả đạn pháo nào của chúng tôi xuất hiện trong một thỏa thuận hoặc được chuyển giao theo cách mà một trong các bên của cuộc xung đột là người sử dụng cuối cùng”.
Bộ Quốc phòng Serbia lưu ý rằng chính phủ nước này tuân thủ nghiêm ngặt các hạn chế quốc tế và các phán quyết của Liên hợp quốc liên quan đến những quốc gia hoặc thực thể nhất định.
Trước đó, các phương tiện truyền thông đưa tin rằng nhà sản xuất vũ khí Krusik thuộc sở hữu nhà nước của Serbia đã cung cấp ít nhất một lô vũ khí gồm 3.500 quả đạn rocket loại 122 mm được sử dụng cho hệ thống phóng đa nòng M-21 Grad do Liên Xô sản xuất. Lô hàng được cho là đã giao cho một khách hàng Thổ Nhĩ Kỳ rồi được gửi đến Ukraine qua Slovakia.
Nhà máy sản xuất vũ khí Krusik lập tức lên tiếng phủ nhận cáo buộc nêu trên, nhấn mạnh rằng các phương tiện truyền thông đưa tin đã sử dụng “thông tin không đầy đủ và không liên quan”, đồng thời khẳng định họ chưa ký hợp đồng giao hàng với công ty Arca Savunma Sanayi Ticaret Limited của Thổ Nhĩ Kỳ như truyền thông đề cập tới.
Theo RT, kể từ khi bắt đầu xung đột giữa Moskva và Kiev hơn một năm trước, Belgrade đã duy trì lập trường trung lập rõ ràng. Thậm chí, khoảng 1 tháng trước, vào ngày 3/2, Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic còn tuyên bố rằng quyết định cung cấp xe tăng cho Ukraine, đặc biệt là những chiếc Leopard 2 của Đức, là sai lầm chính trị lớn nhất của phương Tây vì động thái này không khác gì để đoàn kết người Nga hơn bao giờ hết.
Về phần mình, Nga đã nhiều lần cảnh báo việc phương Tây tiếp tục gửi vũ khí tới Ukraine có nguy cơ khiến họ trực tiếp tham gia vào cuộc xung đột và khiến tình hình trở nên leo thang hơn nữa.
Ngày 20/1, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cảnh báo xe tăng phương Tây viện trợ cho Ukraine sẽ không thay đổi cục diện chiến trường, cho rằng phương Tây, Ukraine đang phóng đại về tác động của các gói viện trợ quân sự và họ sẽ không ngừng hối tiếc vì ảo tưởng chung về khả năng chiến thắng của Ukraine trên chiến trường.
Ngày 22/1, ông Vyacheslav Volodin, Chủ tịch Duma quốc gia (Hạ viện Nga) cảnh báo việc phương Tây cung cấp các vũ khí tấn công mới cho Ukraine sẽ dẫn đến "thảm họa toàn cầu".
Ngoài ra, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Liên bang Nga Dmitry Medvedev cảnh báo việc Mỹ cung cấp vũ khí tiên tiến hơn cho Ukraine sẽ chỉ gây ra nhiều cuộc tấn công trả đũa hơn từ Moskva, trong phạm vi học thuyết hạt nhân của Nga.