Theo đài RT, gói này gồm một số loại đạn pháo, nhưng trong bối cảnh có thông tin về tình trạng thiếu hụt, không rõ mỗi lực lượng của Kiev sẽ nhận được bao nhiêu.
Gói này là đợt viện trợ quân sự thứ 33 dành cho Ukraine kể từ tháng 8/2021. Từ khi Nga bắt đầu hoạt động quân sự ở Ukraine vào tháng 2 năm ngoái, Mỹ đã gửi cho Kiev số vũ khí trị giá hơn 32 tỷ USD, trong số quỹ hơn 110 tỷ USD mà chính quyền của Tổng thống Joe Biden phân bổ để viện trợ quân sự và kinh tế.
Theo một tuyên bố của Lầu Năm Góc, gói viện trợ gồm đạn pháo 155 mm và 125 mm, đạn pháo tự động 25 mm, đạn cho Hệ thống tên lửa phóng loạt cơ động cao (HIMARS), cầu dã chiến, đạn phá hủy và thiết bị sửa chữa.
Gần đây, các tuyên bố về gói viện trợ có cả thông tin về số lượng từng loại đạn dược. Trước đây, các tuyên bố không nêu số lượng cụ thể.
Khi Ukraine tiêu thụ đạn dược với tốc độ nhanh, Mỹ đang yêu cầu quân đội Ukraine tiết kiệm nguồn cung, còn quân đội Mỹ phải dùng các kho dự trữ ở nước ngoài để đáp ứng nhu cầu của Ukraine. Theo nhiều phương tiện truyền thông, vũ khí trong kho quân sự ở Mỹ và châu Âu gần như đã cạn do nỗ lực trang bị vũ khí cho Ukraine.
Theo số liệu gần đây nhất của Lầu Năm Góc, Mỹ đã cung cấp cho Ukraine hơn 1,4 triệu quả đạn pháo từ tháng 2 năm ngoái. Tổng thống Joe Biden đã cam kết sẽ tiếp tục cung cấp vũ khí cho Ukraine chừng nào còn cần thiết và Tổng thống Ukraine Vladimir Zelensky sẽ quyết định thời điểm đàm phán với Nga.
Điện Kremlin đã nhiều lần cảnh báo rằng việc phương Tây tiếp tục ủng hộ Ukraine sẽ chỉ kéo dài cuộc xung đột mà không thay đổi được kết cục. Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov cảnh báo rằng sự can dự ngày càng sâu của phương Tây cũng làm tăng khả năng xảy ra chiến tranh hạt nhân giữa Nga và Mỹ.
Trước đó, Ukraine cùng với Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) sẽ cùng khởi động cơ chế điều phối cung cấp vũ khí cho nước này. Thông tin trên được công bố sau cuộc gặp đầu tiên của đại diện cấp cao 3 bên diễn ra ngày 21/2 tại Brussels, Bỉ.
Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết ông đã thảo luận với Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba và Đại diện cấp cao phụ trách đối ngoại của EU Josep Borrell về sự cần thiết phải đẩy mạnh sản xuất vũ khí và cải thiện việc mua sắm vũ khí để đảm bảo cung cấp cho Ukraine. Ông Borrell cho biết đang tìm cách đẩy nhanh việc giao hàng từ các quốc gia thành viên tới Ukraine.
Để đạt được mục tiêu này, ba bên sẽ thiết lập một cơ chế phối hợp, liên kết các ngành công nghiệp quốc phòng, các nhà thầu và chính phủ. Theo đó, cơ chế này không chỉ đáp ứng nhu cầu của Ukraine mà còn bổ sung cho kho dự trữ đạn dược của các nước thành viên NATO và EU.
Đại diện NATO và EU cho biết do tốc độ tiêu thụ đạn dược lớn hơn tốc độ sản xuất, các quốc gia thành viên EU và NATO cần phải tăng cường sản xuất. Ông Stoltenberg cho biết NATO sẽ giúp Ukraine phát triển một hệ thống mua sắm hiệu quả, minh bạch và có trách nhiệm giải trình, đồng thời sẽ tăng mục tiêu cho các kho dự trữ đạn dược thông qua quy trình lập kế hoạch quốc phòng. Trong khi đó, Ngoại trưởng Kuleba của Ukraine cho biết những nỗ lực tăng cường sản xuất đã bắt đầu từ cuối mùa hè năm ngoái.