Séc phản đối cơ chế thường trực phân bổ người tị nạn

Chính phủ CH Séc ngày 5/10 đã bày tỏ sự phản đối "cơ chế thường trực tái phân bổ người tị nạn" mà Liên minh châu Âu (EU) dự kiến đưa ra thảo luận trong cuộc họp các Bộ trưởng Nội vụ của khối vào ngày 8/10 tới ở Luxembourg.


Người tị nạn Syria tới đảo Lesbos, Hy Lạp sau cuộc hành trình vượt biển Aegean từ Thổ Nhĩ Kỳ ngày 28/9. Ảnh: Reuter/TTXVN

Theo phóng viên TTXVN tại Praha, dự kiến, cuộc gặp của các Bộ trưởng Nội vụ EU sắp tới sẽ thảo luận về cái gọi là "cơ chế thường trực tái phân bổ người tị nạn" giữa các quốc gia thành viên của liên minh này. Tại cuộc họp này, Bộ trưởng Nội vụ Séc Milan Chovanec sẽ lên tiếng bảo vệ ý tưởng lập danh sách các nước an toàn cho người tị nạn trên toàn châu Âu và ủng hộ đề xuất cải cách chính sách thị thực.

Sau phiên họp nội các Séc ngày 5/10, ông Chovanec tuyên bố rằng không chỉ có CH Séc phản đối việc áp dụng "cơ chế thường trực tái phân bổ người tị nạn", mà còn có nhiều nước khác như Tây Ban Nha và các quốc gia Baltic cũng phản đối cơ chế này. Theo ông Chovanec, số nước phản đối còn nhiều hơn so với khi Ủy ban châu Âu (EC) đưa ra đề xuất về hạn ngạch tái phân bổ 120.000 người tị nạn hiện đang tạm trú tại các nước tuyến đầu như Hy Lạp, Italy và Hungary.

Liên quan tới người di cư nước ngoài tới Séc, Chủ tịch Hiệp hội công đoàn Séc Josef Stredula cho biết người di cư được cấp quy chế tị nạn tại Séc và người nước ngoài có giấy phép lao động, cần phải có những quyền lợi giống như người Séc khi xin việc làm.


Vấn đề này đã được thảo luận tại cuộc họp mới đây giữa Hội đồng chính phủ, giới chủ lao động và các tổ chức công đoàn. Phía giới chủ lao động, cụ thể là Hội công nghiệp Séc, trước đó đã đưa ra yêu cầu đơn giản hóa quy định tuyển dụng lao động đối với người nước ngoài cũng như tuyên bố sẵn sàng tiếp nhận ngay 5.000 người tị nạn vào làm việc. Về phần mình, các tổ chức công đoàn đã đánh giá cao đề xuất này, tuy nhiên cũng bày tỏ quan điểm cho rằng không nên phân biệt người tị nạn hay người nước ngoài khi tuyển dụng lao động. Ông Josef Stredula nhấn mạnh rằng khi một người được quyền tham gia thị trường lao động thì người đó hoàn toàn bình đẳng với người Séc.

TTXVN/Tin Tức
Đức đối mặt với sức ép từ 1,5 triệu người tị nạn
Đức đối mặt với sức ép từ 1,5 triệu người tị nạn

Trước làn sóng di cư ngày một lớn đổ vào các nước Trung Âu, Đức và Áo đã phải tạm thời áp dụng biện pháp kiểm soát biên giới trên bộ, song biện pháp này vẫn không thể ngăn cản dòng người tị nạn đổ vào Đức mỗi ngày.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN