Saudi Arabia và Iraq cam kết tuân thủ thỏa thuận hạn chế sản lượng của OPEC+

Cơ quan Thông tấn Nhà nước Iraq ngày 7/8 cho biết trong một cuộc điện đàm mới đây, Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia Abdulaziz bin Salman và người đồng cấp Iraq Abdul Jabbar Ismail đã nhấn mạnh cam kết tuân thủ thỏa thuận cắt giảm sản lượng giữa Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước sản xuất liên minh, còn gọi là OPEC+.

Chú thích ảnh
Toàn cảnh một cơ sở lọc dầu ở cảng Jubail, Saudi Arabia. Ảnh: AFP/TTXVN

Hai bộ trưởng năng lượng cũng thảo luận về những diễn biến mới nhất trên thị trường dầu mỏ, đà phục hồi nhu cầu năng lượng toàn cầu và những tiến bộ đạt được trong việc triển khai thỏa thuận hạn chế sản lượng của OPEC+.

Trước đó, OPEC+ đã nhất trí cắt giảm sản lượng ở mức kỷ lục 9,7 triệu thùng/ngày (tương đương 10% tổng sản lượng toàn cầu) từ tháng 5/2020, do giá dầu sụt giảm mạnh trước tác động tiêu cực từ đại dịch COVID-19. Mức cắt giảm này chính thức giảm xuống còn 7,7 triệu thùng/ngày từ tháng 8 đến tháng 12/2020.

Tuy nhiên, sản lượng khai thác của OPEC đã tăng hơn 1 triệu thùng/ngày trong tháng Bảy, khi Saudi Arabia và các thành viên khác ở vùng Vịnh ngừng việc tự nguyện cắt giảm bổ sung, trong khi các thành viên khác trong OPEC đạt được tiến bộ hạn chế trong việc tuân thủ thỏa thuận cắt giảm sản lượng.

Saudi Arabia đã nhất trí cắt giảm sản lượng 2,5 triệu thùng/ngày theo thỏa thuận OPEC+, còn Iraq đồng ý cắt giảm 1,06 triệu thùng/ngày.

Bộ trưởng Dầu mỏ Iraq Ismail nói rằng nước sẽ thực hiện cam kết của mình, tiến tới mục tiêu đạt 100% mức cắt giảm kể từ đầu tháng Tám, nhằm bù đắp cho sản lượng dư thừa trong giai đoạn trước.

Trong tuyên bố chung, bộ trưởng năng lượng hai nước cho rằng những nỗ lực của OPEC+ và các quốc gia tham gia thỏa thuận sẽ giúp thúc đẩy sự ổn định trên thị trường dầu mỏ.

Q.Chung (TTXVN)
Giá dầu thế giới giảm sau khi OPEC+ nới lỏng mức cắt giảm sản lượng
Giá dầu thế giới giảm sau khi OPEC+ nới lỏng mức cắt giảm sản lượng

Giá dầu giảm trong phiên 16/7, sau khi Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh như Nga, được gọi là OPEC+, nhất trí nới lỏng mức cắt giảm sản lượng từ tháng 8, mặc dù đà giảm giá hạn chế nhờ những hy vọng nhu cầu của Mỹ sẽ phục hồi nhanh sau khi dự trữ dầu thô của nước này giảm mạnh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN