Thái tử kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Saudi Arabia Mohammed bin Salman phát biểu với hãng tin CBS News (Mỹ) rằng Riyadh không mong muốn sở hữu vũ khí hạt nhân. Song ông cũng cảnh báo rằng "nếu Iran phát triển bom hạt nhân, chúng tôi dứt khoát sẽ làm theo như vậy sớm nhất có thể”.
Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman. Ảnh: Fortune |
Saudi Arabia, một đồng minh thân cận của Mỹ, đã ký Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân từ năm 1988. Chưa có bằng chứng cho thấy Saudi Arabia phát triển vũ khí hạt nhân nhưng có thông tin cho rằng Riyadh từng đầu tư vào dự án vũ khí hạt nhân tại Pakistan.
Trong năm 2013, cựu lãnh đạo cơ quan tình báo quân đội Israel, ông Amos Yadlin phát biểu tại mội hội thảo ở Thụy Điển rằng nếu Iran nắm trong tay bom hạt nhân thì “Saudi Arabia sẽ không đợi một tháng. Họ đã trả tiền cho quả bom và sẽ đến Pakistan để lấy thứ họ muốn”.
Iran đã hạn chế chương trình hạt nhân của quốc gia này theo thỏa thuận đạt được năm 2015 với Nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc cùng với Đức). Trong khi đó, Tổng thống Donald Trump đe dọa rút Mỹ khỏi thỏa thuận này. Thỏa thuận hạt nhân năm 2015 được coi là “một chiến thắng” đối với chính quyền Tổng thống Mỹ thứ 44 Barack Obama. Tuy nhiên, Tổng thống Trump đã gọi đây là “thỏa thuận tồi nhất”.
Ông Rex Tillerson, Ngoại trưởng bị Tổng thống Trump tuyên bố sa thải trên mạng xã hội Twitter ngày 13/3, đã thể hiện ủng hộ thỏa thuận hạt nhân năm 2015. Vậy nhưng, nhân vật sẽ kế nhiệm ông Tillerson là Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA) Mike Pompeo từ lâu lại có chung quan điểm với Tổng thống Trump không “mặn mà” với thỏa thuận hạt nhân này.
Lãnh đạo các quốc gia châu Âu như Anh, Pháp và Đức đã đề nghị Tổng thống Trump bảo vệ thỏa thuận hạt nhân năm 2015 mà họ đánh giá đang hoạt động đúng như dự định.
Đài BBC (Anh) đánh giá Saudi Arabia và Iran vốn là đối thủ lâu năm tại Trung Đông. Mỗi quốc gia này lại bị chi phối bởi các nhánh Hồi giáo khác nhau là dòng Sunni (Saudi Arabia) và dòng Shitte (Iran). Trong những năm gần đây, căng thẳng thêm phần gia tăng giữa hai quốc gia liên quan tới cuộc khủng hoảng tại Syria và Yemen.
Iran cũng tham gia Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân và luôn khẳng định rằng các chương trình hạt nhân của Tehran đều nhằm mục đích hòa bình.