Theo đài RT, thông tin trên do Chính phủ Ấn Độ đưa ra trong một thông báo ngày 25/8.
Động thái này diễn ra sau khi Ấn Độ cấm xuất khẩu lúa mì vào giữa tháng 5 để đảm bảo nguồn cung nội địa trong bối cảnh đợt nắng nóng đe dọa vụ thu hoạch và khiến giá tăng vọt lên mức cao kỷ lục.
Tháng trước, Ấn Độ đã mở rộng chính sách trên đối với bột mì, nhưng chưa cấm xuất khẩu, thay vào đó chỉ yêu cầu các thương nhân phải xin phép trước khi vận chuyển bột mì ra nước ngoài.
Tuy nhiên, lệnh cấm xuất khẩu lúa mì đã gây tác động, làm tăng nhu cầu đối với bột mì của Ấn Độ và đẩy mạnh xuất khẩu bột mì, vốn đã tăng 200% so với cùng kỳ năm ngoái từ tháng 4 đến tháng 7/2022. Do đó, giá trên thị trường nội địa cũng tăng đột biến, buộc chính phủ can thiệp.
Sau khi xung đột tại Ukraine nổ ra, giá lúa mì và một số loại lương thực khác trên thế giới đã tăng trong suốt tháng 3 và tháng 4. Tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng do chiến dịch quân sự của Nga cũng khiến hàng triệu tấn lúa mì của Ukraine không thể xuất khẩu trong thời gian dài.
Ông Kelly Goughary, nhà nghiên cứu của Công ty dữ liệu Nông nghiệp Gro Intelligence, giải thích lệnh cấm xuất khẩu lúa mì của Ấn Độ sẽ góp phần thúc đẩy giá của mặt hàng này tăng cao hơn vì sau khi lượng xuất khẩu từ khu vực Biển Đen sụt giảm, người mua toàn cầu sẽ phụ thuộc vào nguồn cung từ Ấn Độ.