Theo phóng viên TTXVN tại Cairo, ngày 17/7, Tổng cục Cung ứng hàng hóa Ai Cập (GASC), cơ quan chịu trách nhiệm thu mua ngũ cốc của nước này, đã thông báo mời thầu nhập khẩu lúa mì từ 5 quốc gia là Mỹ, Canada, Australia, Argentina và Brazil.
Trong một thông báo, GASC cho biết thêm hạn chót cho các đợt chào thầu này là ngày 19/7, sau đó các phong bì đấu thầu sẽ được mở trong cùng ngày. Thời gian giao hàng dự kiến sẽ diễn ra trong các đợt từ 16-30/9, 1-15/10 và 1-15/11.
Vào tháng 6 vừa qua, GASC đã ký các hợp đồng mua 815.000 tấn lúa mì từ Pháp, Romania, Nga và Bulgaria cùng với 465.000 tấn lúa mì trong một đợt đấu thầu khác từ Nga, Bulgaria và Romania. Thời gian giao hàng của cả hai gói thầu này dự kiến từ tháng 7 đến tháng 10 năm nay.
Ai Cập hiện là nhà nhập khẩu lúa mì lớn nhất thế giới. Quốc gia Bắc Phi đã nhập khẩu phần lớn ngũ cốc với chất lượng cao và giá cả cạnh tranh từ Nga và Ukraine, vốn được vận chuyển qua Biển Đen. Tuy nhiên, sau sự gián đoạn chuỗi cung ứng do tình hình bất ổn tại Ukraine, Ai Cập đã và đang tìm cách đa dạng hóa các nguồn cung cấp lúa mì, trong đó có thị trường Ấn Độ.
Bộ trưởng Bộ Cung ứng Ai Cập Ali Moselhi cho biết quốc gia Bắc Phi cần nhập khẩu 5 triệu tấn lúa mì cho năm tài chính 2022/2023. Do cuộc xung đột tại Ukraine làm tăng chi phí nhập khẩu lúa mì trên toàn thế giới, Ai Cập đã áp dụng nhiều biện pháp nhằm tăng sản lượng sản xuất trong nước với mục tiêu đạt sản lượng 6 triệu tấn lúa mì trong vụ mùa thu hoạch vào tháng 8 tới, tăng từ mức 3,5 triệu tấn của năm 2021.
Chính phủ Ai Cập phân bổ một lượng lớn lúa mì nhập khẩu để làm bánh mì, một mặt hàng được nhà nước trợ cấp, đây là loại thực phẩm chính trong chế độ ăn uống hàng ngày của người dân nước này. Ai Cập được cho là có đủ nguồn dự trữ chiến lược lúa mì để sử dụng trong gần 6 tháng.
Mới đây, Ngân hàng Thế giới (WB) đã phê duyệt khoản vay 500 triệu USD để hỗ trợ mạng lưới bảo trợ xã hội và an ninh lương thực của Ai Cập sau những tác động của cuộc xung đột tại Ukraine.