Trong một tuyên bố, chính phủ nêu rõ sẽ cho phép xuất khẩu các lô lúa mì đã được giao cho Hải quan kiểm tra và được đăng ký vào các hệ thống của Hải quan Ấn Độ trước hoặc vào ngày 13/5. Nước này sẽ cho phép xuất khẩu các lô lúa mì có thư tín dụng (LC) hoặc giấy bảo lãnh thanh toán được phát hành trước ngày 13/5. Bên cạnh đó, Ấn Độ cũng sẽ cho phép xuất khẩu lúa mì sang Ai Cập.
Hôm 14/5 vừa qua, Chính phủ Ấn Độ ban hành lệnh cấm xuất khẩu lúa mì với hiệu lực tức thì do nắng nóng gay gắt khiến sản lượng sụt giảm và giá mặt hàng này leo thang trong nước. Quyết định bất ngờ này khiến khoảng 1,8 triệu tấn lúa mì mắc kẹt tại các cảng, dẫn đến nhiều công ty đối mặt với thua lỗ nặng do nhu cầu trong nước thấp hơn.
Tại một cuộc họp cấp bộ trưởng về an ninh lương thực, Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Linda Thomas-Greenfield hối thúc Ấn Độ dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu lúa mì, đồng thời cảnh báo lệnh cấm này sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu hụt hàng hóa trên toàn cầu.
Ấn Độ là quốc gia sản xuất lúa mì thứ hai trên thế giới. Nước này cấm xuất khẩu lúa mì trong bối cảnh các thị trường nông sản toàn cầu đang chịu sức ép lớn bởi cuộc xung đột Nga-Ukraine. Trước xung đột, Ukraine xuất khẩu 4,5 triệu tấn nông sản mỗi tháng qua các cảng biển, chiếm 12% lúa mì thế giới, 15% ngô và 50% dầu hướng dương. Do ảnh hưởng từ chiến dịch quân sự đặc biệt của Moskva, các cảng biển ở Ukraine bị đình trệ hoạt động. Theo ước tính, hiện khoảng 20 triệu tấn lúa mì đang tồn kho ở Ukraine cần được xuất khẩu.