Theo các chuyên gia, các nhà nhập khẩu lúa mì, đặc biệt là ở châu Á, đã phải dựa vào nguồn cung từ Ấn Độ - nhà sản xuất lúa mì lớn thứ hai thế giới - trong bối cảnh hoạt động xuất khẩu mặt hàng này từ khu vực Biển Đen sụt giảm sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Nga và Ukraine chiếm khoảng 30% lượng lúa mì xuất khẩu trên toàn cầu. Xung đột khiến Ukraine phải đóng cửa các cảng, ảnh hưởng đến xuất khẩu lúa mì của nước này, trong khi xuất khẩu của Nga bị ảnh hưởng do các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Một công ty kinh doanh lúa mì có trụ sở tại châu Âu nhận định các nhà nhập khẩu lúa mì ở châu Á có nguy cơ gặp khó khăn lớn vì Ấn Độ là lựa chọn thay thế nguồn cung từ Ukraine và Nga, đặc biệt là đối với loại lúa mì làm thức ăn cho gia súc.
Giá lúa mì thuộc các hợp đồng kỳ hạn tại thành phố Chicago (Mỹ) đã tăng tới 6% trong phiên giao dịch ngày 16/5 khi các thị trường phản ứng với lệnh cấm nói trên của Ấn Độ. Các thương nhân dự báo lệnh cấm này có thể đẩy giá lúa mì toàn cầu lên mức cao kỷ lục mới, tác động mạnh đến người tiêu dùng nghèo ở châu Á và châu Phi.
Liên quan vấn đề trên, Ngoại trưởng Canada Mélanie Joly ngày 16/5 cho biết nước này đã chuẩn bị cử tàu để giúp Ukraine xuất khẩu lúa mì sang các nước đang phát triển.
Bà Joly đã đàm phán với các quốc gia khác trong Nhóm các nước phát triển hàng đầu thế giới (G7) và các nước châu Âu về việc cử tàu của Canada đến các cảng ở Romania để hỗ trợ Ukraine đưa lúa mì của nước này đến các thị trường phụ thuộc nhiều vào nguồn cung của Ukraine. Bà nhấn mạnh các ưu tiên của Canada trong thời gian tới là đưa lúa mì của Ukraine ra thị trường nước ngoài, cùng với việc đảm bảo an toàn cho các hầm chứa ngũ cốc để cất trữ mặt hàng này trong vụ thu hoạch tiếp theo.