Kênh truyền hình France24 đưa tin, theo các nhà sản xuất, doanh thu ba lô chống đạn của họ đã tăng vọt những ngày gần đây, sau khi xảy ra loạt vụ xả súng kinh hoàng tại nhiều bang của Mỹ. Thay vì để con đeo cặp nhựa in hình Hello Kitty hay Người Nhện, một số phụ huynh đã mua loại cặp xách có khả năng biến thành lá chắn bảo vệ đề phòng trường hợp xảy ra tấn công bằng súng.
“Chúng tôi rõ ràng chứng kiến sự tăng vọt trong tuần qua về doanh số bán hàng. Một phần là do năm học mới sắp bắt đầu. Phần khác là do những vụ việc đang xảy ra”, ông Yasir Sheikh, Giám đốc điều hành công ty Guard Dog Security, chuyên thiết kế ba lô chống đạn cho học sinh tại Mỹ, chia sẻ.
Ông Steve Naremore, Giám đốc điều hành công ty sản xuất ba lô TuffyPacks cho biết ông bắt tay vào kinh doanh mặt hàng này từ năm 2015, sau khi con gái ông là một giáo viên tiểu học phàn nàn về việc thường xuyên phải đóng giả kẻ tấn công để diễn tập cùng học sinh.
Sản phẩm của TuffyPacks sử dụng các tấm chắn đạn trọng lượng nhẹ, có thể tháo rời. Theo giới thiệu của công ty, các tấm chắn của họ dùng sợi tổng hợp cứng gấp 5 lần thép và độ bền lên tới 5 năm.
Một tuần sau khi xảy ra hai xả súng tại El Paso (Texas) và Dayton (Ohio) trong cùng ngày 4/8 khiến 31 người thiệt mạng, doanh số của TuffyPacks đã tăng 300%.
Các nhà sản xuất cho biết thiết kế đặc biệt của chiếc ba lô có thể bảo vệ người dùng khỏi những vết thương nguy kịch do trúng đạn từ phía sau hoặc làm lá chắn vùng mặt và đầu. Tuy vậy, loại sản phẩm này vẫn chưa được cơ quan chức năng Mỹ kiểm chứng.
Phụ huynh học sinh có thể đặt hàng trực tuyến trên Amazon hay đến các siêu thị bán lẻ như Walmart để mua ba lô chống đạn. Tuy nhiên, giá thành không hề rẻ của sản phẩm trên – từ 119,99 USD đến 299,99 USD (khoảng 2,8 – 7 triệu đồng) – đồng nghĩa với việc không phải ông bố, bà mẹ nào cũng có thể mua cho con của họ.
“Tôi sẵn sàng chi chừng ấy tiền. Nhưng vấn đề là tôi có số tiền ấy hay không? Tôi không có. Tôi sẽ làm việc thêm giờ để kiếm đủ tiền mua ba lô để bảo vệ con mình”, bà Marisol Rodriguez nói. Tuy vậy, có ý kiến cho rằng các công ty sản xuất ba lô đang kiếm tiền từ thảm kịch cũng như trục lợi từ nỗi sợ hãi của phụ huynh.
Xem video giới thiệu về "cơn sốt" ba lô chống đạn tại Mỹ. Nguồn: France24
Theo tờ News Week, nữ phát ngôn viên Bộ Tư pháp Kelly Laco, thay mặt Viện Tư pháp Quốc gia (NIJ), thông báo các sản phẩm ba lô chống đạn kể trên có thể chưa trải qua quá trình kiểm tra tiêu chuẩn như các thiết bị và áo chống đạn của lực lượng thực thi pháp luật và quân đội”.
“NIJ chưa từng kiểm nghiệm hay chứng nhận các vật chống đạn, chẳng hạn như ba lô, chăn đắp hay cặp tài liệu, ngoài các sản phẩm bảo vệ thân thể cho lực lượng thực thi pháp luật. Bất kỳ quảng cáo NIJ thử nghiệm hay chứng nhận cho các sản phẩm trên đều là giả mạo”, bà Kelly Laco thông báo.