Trong một báo cáo công bố tại Nairobi, thủ đô của Kenya, nhóm công tác kỹ thuật về biến đổi khí hậu của IGAD cho biết khu vực này phải đối mặt với nhiều thách thức về khí hậu, nhưng giữa các mối đe dọa, rong biển và rừng ngập mặn mang lại hy vọng.
Nhóm cho biết: "Rong biển đóng vai trò là tác nhân thu giữ carbon hiệu quả của tự nhiên. Giải pháp tự nhiên và bền vững của chúng mang lại tiềm năng cô lập carbon đáng kể, vượt xa các khu rừng trên cạn".
Mặt khác, báo cáo lưu ý rằng rừng ngập mặn bảo vệ các cộng đồng ven biển khỏi bão lũ và đóng vai trò là rào cản tự nhiên chống lại mực nước biển dâng cao vì "hệ thống rễ phức tạp của chúng giữ lại trầm tích, ngăn ngừa xói mòn bờ biển và duy trì những bãi biển trong lành".
Vicky Jebet, một thành viên của nhóm cho biết: "Trước những cơn lốc xoáy gần đây ở vùng Sừng châu Phi, điều quan trọng là phải nhận ra vai trò của rừng ngập mặn trong việc giảm thiểu tác động của các hiện tượng thời tiết cực đoan như vậy. Bảo tồn và khôi phục rừng ngập mặn là điều cần thiết để tăng cường khả năng phục hồi trước các thảm họa liên quan đến khí hậu trong tương lai".
Ngân hàng Thế giới ước tính có khoảng 4,1 triệu ngư dân quy mô nhỏ sống dựa vào rừng ngập mặn để kiếm sống trong khu vực. Các loại cây này tạo ra cơ hội việc làm, lọc nước, đảm bảo nước luôn sạch, là môi trường sống cho động vật hoang dã và bảo vệ các cộng đồng ven biển khỏi thảm họa khí hậu.
Do đó, nhóm IGAD kêu gọi các quốc gia ở vùng Sừng châu Phi giải quyết ô nhiễm nhựa và đầu tư vào các đổi mới hướng tới cộng đồng để hưởng lợi từ rong biển và rừng ngập mặn khi các quốc gia này đẩy mạnh cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.