Mặc dù sống giữa trung tâm thủ đô, Connie Sihombing – nữ du khách đang tham gia một hành trình khám phá rừng ngập mặn sinh thái - nói rằng cô chưa bao giờ biết công viên bảo tồn thiên nhiên Angke Kapuk nằm ngay trong thành phố.
"Tôi yêu thiên nhiên. Tôi đã đi nhiều nơi, nhưng tôi không biết rằng gần nhà lại có công viên hấp dẫn như thế này. Tôi thích khi mà ở một thành phố chúng ta cho là hỗn độn và ô nhiễm, chúng ta vẫn có thể bảo tồn những thứ như thế này”.
Indonesia thúc đẩy du lịch sinh thái rừng ngập mặn (nguồn: Reuters):
Công viên bảo tồn thiên nhiên Angke Kapuk chỉ là một phần rất nhỏ trong tổng diện tích rừng ngập mặn rộng gần 41.000 km2 của Indonesia trải dọc theo bờ biển của quốc gia này.
Tại thủ đô Jakarta, một thành phố mà mỗi năm nền đất chìm xuống thêm 15 cm do lũ lụt và khai thác nước ngầm, rừng ngập mặn là biện pháp bảo vệ chính của thành phố trước thủy triều.
Tuy nhiên, quá trình phát triển dọc bờ biển, bao gồm xây dựng các bãi biển nhân tạo, đang đe dọa tương lai của rừng ngập mặn nơi này. Chỉ tính riêng năm ngoái, khoảng 6.900 km2 rừng ngập mặn đã bị tàn phá.
Trong một nỗ lực để bù đắp mức độ tàn phá nghiêm trọng, chính phủ Indonesia đã đưa ra một chương trình để khôi phục hàng nghìn mét vuông rừng ngập mặn.
Nhưng ít nhất 5 năm nữa, Indonesia mới thấy được những kết quả từ chương trình này, khi cây cối phát triển đủ mạnh để ngăn thủy triều.
Phó Giám đốc khu bảo tồn Andika Danangputra tin rằng du lịch sinh thái đóng một vai trò quan trọng trong nỗ lực bảo vệ những vùng đất ngập nước quan trọng này.
Với mỗi khu vực rừng ngập mặn được trồng, Danangputra hy vọng người dân sẽ nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của rừng ngập mặn trong việc bảo vệ Jakarta.
"Công viên này vẫn giữ nguyên trạng là khu bảo tồn, vì vậy khi đến đây, bạn sẽ biết đây là khu vực như thế nào, câu chuyện đằng sau nó là gì và chúng ta có thể làm gì để bảo tồn và nuôi dưỡng những khu rừng, để các thế hệ sau vẫn có thể tận hưởng điều này, trái ngược với xu hướng biến rừng thành thép. Jakarta là một trong những khu vực giải phóng oxy lớn nhất, với rừng đô thị và rừng ngập mặn dọc bờ biển”, ông Danangputra chia sẻ.