Romania đứng trước nhiều thách thức trong nhiệm kỳ Chủ tịch EU

Ngày 1/1, Romania đã tiếp nhận chức Chủ tịch luân phiên Liên minh châu Âu (EU) từ Áo trong bối cảnh EU đang phải trải qua giai đoạn bất ổn.

Chú thích ảnh
Chủ tịch Ủy ban EU Jean-Claude Juncker. Ảnh: AFP

Romania sẽ đảm nhiệm vị trí trên trong 6 tháng đầu năm khi EU đang gặp khó khăn khi phải giải quyết hàng loạt thử thách nghiêm trọng, như việc Anh rút khỏi EU (còn gọi là Brexit), các cuộc bầu cử quốc hội trong đó những nhân vật hoài nghi châu Âu sẽ nỗ lực gia tăng ảnh hưởng, và bất đồng về ngân sách năm tới.

Đây là lần đầu tiên Romania đảm nhiệm chức Chủ tịch EU kể từ khi gia nhập khối năm 2007. Tuy nhiên, chính phủ cánh tả hiện nay ở Romania, cùng với hai nước láng giềng Hungary và Ba Lan, đều đang bất đồng với EU về những cải cách gây tranh cãi.

Trước đó, ngày 29/12 vừa qua, Chủ tịch Ủy ban EU Jean-Claude Juncker đã bày tỏ hoài nghi trên cương vị Chủ tịch EU, liệu Romania có thể sẵn sàng lắng nghe các nước thành viên, đặt mối quan tâm riêng lại phía sau. Trong khi đó, Chủ tịch đảng Dân chủ Xã hội (PSD) cầm quyền của Romania Liviu Dragnea đã chỉ trích EU là thiếu công bằng khi phản đối quyền bảo lưu ý kiến của Bucharest.

Một trong những nguyên nhân chính khiến quan hệ giữa Romania và EU trở nên lạnh nhạt là do kế hoạch cải cách tư pháp của Romania, mà EC cho là sẽ ảnh hưởng đến cuộc chiến chống tham nhũng tại quốc gia này. Chính phủ Romania đã đề xuất một lệnh ân xá tội hình sự cho các chính trị gia. Đề xuất này được cho là sẽ sớm được thông qua và EU đã cảnh báo mọi việc có thể vượt qua "giới hạn đỏ". Chuyên gia Andrei Taranu nhận định nếu đề xuất được thông qua, Romania sẽ bị xao lãng khỏi những vấn đề khác của châu Âu do phải tập trung bảo vệ chính sách trước các đối tác khu vực. Romania cũng sẽ gặp khó khăn trong việc đoàn kết nội bộ do bất đồng giữa Chính phủ của Thủ tướng đảng PSD Viorica Dancila  và Tổng thống cánh hữu Klaus Iohannis vốn chủ trương ủng hộ châu Âu. 

Năm 2007, EU đặt Romania - một trong những quốc gia bị đánh giá là nơi nạn tham nhũng hoành hành nặng nề nhất trong khối, vào cơ chế giám sát cải cách tư pháp và chống tham nhũng. Hồi tháng 7 vừa qua, Tổng thống Romania đã cách chức Trưởng công tố, người đứng đầu Cơ quan Chống tham nhũng (DNA), Laura Codruta Kovesi.  Việc cách chức bà Kovesi đã dẫn tới nhiều cuộc biểu tình của người dân Romania.

Đặng Ánh (TTXVN)
Kỷ niệm 100 năm Quốc khánh Cộng hòa Romania
Kỷ niệm 100 năm Quốc khánh Cộng hòa Romania

Ngày 1/12, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị TP Hồ Chí Minh (HUFO) tổ chức lễ kỷ niệm 100 năm Quốc khánh Cộng hòa Romania (1/12/1918 – 1/12/2018), thể hiện tình đoàn kết, hữu nghị giữa nhân dân TP Hồ Chí Minh và nhân dân Romania.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN