Hai năm trước, giới trẻ Ukraine bận rộn với tình bạn, yêu đương và thử những điều mới mẻ, giống như các bạn cùng trang lứa ở các nước khác.
Nhưng những kế hoạch và ước mơ của họ nhanh chóng tan vỡ khi cuộc xung đột toàn diện giữa Nga và Ukraine bắt đầu vào ngày 24/2/2022. Nhiều người trẻ buộc phải rời bỏ nhà cửa, trường học, xa cách bạn bè và xây dựng cuộc sống mới ở một đất nước xa lạ.
Hàng chục nghìn thanh thiếu niên Ukraine đã đến nước láng giềng Ba Lan, một số ra đi đơn độc không người thân, trong số hàng triệu người tị nạn từ Ukraine sang các nước châu Âu khác. Một nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới cho thấy gần 6 triệu người Ukraine đã phải rời quê hương ra nước ngoài.
Hai năm trôi qua, nhiều người trong số họ đã ổn định cuộc sống mới. Nhưng một số vẫn phải vật lộn với sự lo lắng, tức giận và tuyệt vọng, cũng như cảm giác bấp bênh khi họ cân nhắc khả năng trở lại Ukraine một ngày nào đó nếu xung đột kết thúc. Quá trình trưởng thành của giới trẻ Ukraine có thể là một chặng đường khó khăn và nguy hiểm.
Marharyta Chykalova, tròn 17 tuổi vào tháng 3, rời quê Kherson ở miền Nam Ukraine cùng mẹ vào tháng 4/2022 khi quân đội Nga kiểm soát thành phố.
Họ trốn sang Moldova, sau đó tới Romania trước khi định cư tại thành phố Gdynia của Ba Lan. Marharyta bắt đầu học tiếng Ba Lan, cố gắng hết sức để hòa nhập vào ngôi trường mới, nhưng sáu tháng đầu tiên thật khó khăn.
Marharyta cho biết cô vẫn giữ liên lạc với một số người bạn thân nhất ở nhà nhưng vẫn cảm thấy cô đơn. Để giúp đối phó với chứng trầm cảm, cô sinh viên có giọng nói nhẹ nhàng đã tham gia các lớp học kịch để thể hiện cảm xúc của mình trên sân khấu và giúp cô kết bạn mới.
Marharyta nói: “Một số người nói rằng nhà không phải là nơi bạn sống, mà nhà là nơi bạn cảm thấy thoải mái. Tôi cảm thấy thoải mái trên sân khấu, với những người gần gũi với tôi. Đây là nhà tôi."
Theo dữ liệu vào tháng 1 từ Văn phòng Người nước ngoài của Ba Lan, khoảng 165.000 thanh thiếu niên Ukraine từ 13 đến 18 tuổi đã được đăng ký là người tị nạn ở Ba Lan.
Một số tập trung tại Blue Trainers, không gian cộng đồng bên trong một trung tâm mua sắm ở Gdansk, nơi các em được chơi các trò chơi board game, bida và bóng bàn. Trên hết, họ kết nối với các đồng nghiệp.
Đăng ký tham gia thể thao là một cách đặc biệt phổ biến để đối phó với cú sốc chiến tranh trong giới trẻ Ukraine.
Andrii Nonka, 15 tuổi, quê ở Kharkiv, đến Ba Lan vào đúng ngày sinh nhật của cậu, 6/3/2022, cùng mẹ. Cha cậu ở lại Ukraine. Thỉnh thoảng, Andrii cảm thấy rất muốn được trở về nhà để gặp lại cha mình và bạn bè.
Việc tham gia một câu lạc bộ quyền anh đã giúp cậu tìm được những người bạn mới và giờ đây Andrii ngày càng coi Ba Lan như một cơ hội để tìm một công việc tốt, có thể là trong lĩnh vực công nghệ thông tin.
Dariia Vynohradova, 17 tuổi, cũng đến từ Kharkiv, rời đất nước mà không có cha mẹ, và nói rằng cô không muốn quay trở lại nữa. “Tôi không muốn quay lại vì Kharkiv bị tàn phá quá nhiều, không còn gì để quay lại. Thỉnh thoảng tôi sẽ về thăm bố mẹ nhưng tôi muốn ở lại đây", cô gái chia sẻ.