Rạn nứt mới giữa hai đồng minh Mỹ và Anh

Phát biểu của Bộ trưởng Thương mại Anh Kemi Badenoch có thể đã tiết lộ rạn nứt mới giữa Anh và Mỹ.

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Thương mại Anh Kemi Badenoch. Ảnh: Reuters

Đạo luật Giảm lạm phát (IRA) sẽ không giúp Washington chống lại sự trỗi dậy của Trung Quốc và có thể tạo ra sự gián đoạn trong các chuỗi cung ứng quan trọng, Bộ trưởng Thương mại Anh Kemi Badenoch mới đây cảnh báo.

Phát biểu tại một sự kiện vào tối 21/2, bà Badenoch cho rằng đạo luật trên của Mỹ sẽ không đạt được các mục tiêu mà nó đề ra, đồng thời khẳng định Anh sẽ không "ngồi bên lề" trong cuộc đối đầu xuyên Đại Tây Dương này.

Tuyên bố trên của bà Badenoch được đưa ra chỉ vài phút sau khi Đại sứ Mỹ tại Anh tăng cường bảo vệ IRA tại cùng một sự kiện.

IRA có kế hoạch cung cấp hàng tỷ USD trợ cấp và tín dụng thuế để khuyến khích sử dụng xe điện và xây dựng cơ sở hạ tầng xanh. Nhưng các nhà sản xuất ô tô châu Âu và Anh đặc biệt lo ngại về tác động đối với các ngành công nghiệp hỗ trợ lớn cho các công ty Mỹ của chính họ.

Phát biểu tại sự kiện trên, Bộ trưởng Badenoch cho biết Anh đang "phối hợp rất tốt với một nhóm các quốc gia có cùng chí hướng với lo lắng về IRA của Mỹ".

Theo bà Badenoch, nhiều quốc gia hiện đang "nhìn vào những gì Mỹ đang làm" với sự lo lắng.

“EU rất lo ngại và chúng tôi đang hợp tác với họ để giải quyết vấn đề này. Không chỉ EU hành động và chúng tôi cũng không đứng ngoài lề. Nhật Bản lo lắng. Hàn Quốc lo lắng. Thụy Sĩ cũng lo lắng", bà Badenoch nói.

Bà Badenoch lưu ý: “Đó là một cách thực sự có thể tạo ra vấn đề với chuỗi cung ứng cho những nước khác. Điều đó cũng sẽ không có tác động như Mỹ mong muốn khi xét đến thách thức kinh tế mà Trung Quốc đặt ra. Vì vậy, tôi không nghĩ đó là một ý kiến ​​hay, không chỉ vì nó là một sự bảo hộ. Điều chúng tôi thực sự muốn là đa dạng hóa và tăng cường chuỗi cung ứng trên diện rộng".

Phát biểu trước đó, Đại sứ Mỹ tại Anh Jane Hartley lập luận rằng kế hoạch này có thể có ý nghĩa tích cực lớn đối với các quốc gia ngoài Mỹ.

"Một trong những điều tôi muốn nói là sẽ có một số tiền khổng lồ cho R&D (nghiên cứu và phát triển). Công nghệ sẽ được cải thiện, sẽ rẻ hơn và sẽ được sử dụng bởi tất cả mọi người trên thế giới, không chỉ ở Mỹ", bà Hartley nêu rõ.

Bà Hartley nhấn mạnh rằng Bộ trưởng Thương mại Mỹ Janet Yellen đang "xem xét khá kỹ lưỡng" đạo luật này trong cái gọi là giai đoạn lấy ý kiến, khi các cơ quan liên quan của Mỹ tiếp nhận những phản hồi về IRA. 

Đại sứ Hartley khẳng định, cả Tổng thống Biden và Bộ trưởng Thương mại Mỹ Katherine Tai đều nhấn mạnh rằng Washington "không làm điều này để làm tổn thương các đồng minh của mình - chúng tôi muốn bảo vệ các đồng minh của mình".

Công Thuận/Báo Tin tức (politico.eu)
Tổng thống Mỹ nhận định không có dấu hiệu Nga sử dụng vũ khí nguyên tử
Tổng thống Mỹ nhận định không có dấu hiệu Nga sử dụng vũ khí nguyên tử

Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 22/2 đã có những phát biểu mới liên quan tới quyết định của Nga tạm ngừng tham gia Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (New START), trong đó nhấn mạnh rằng không có dấu hiệu nào cho thấy Moskva đang tiến gần hơn tới việc thực sự sử dụng vũ khí nguyên tử.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN