Ông Recep Tayyip Erdogan phát biểu trước đám đông người ủng hộ tại Istanbul ngày 17/6. Ảnh: AP |
Tiến sĩ Zenonas Tziarras – một chuyên gia chính sách đối ngoại người Thổ Nhĩ Kỳ - nhận định với đài Sputnik: "Đây là một trong những cuộc bầu cử lịch sử, hệ thống chính trị Thổ Nhĩ Kỳ sẽ chuyển sang mô hình tổng thống chế (một hệ thống chính phủ mà trong đó có một ngành hành pháp tồn tại và ngự trị tách biệt khỏi ngành lập pháp) và quyền lực tập trung nhiều cho tổng thống. Sự kiện này sẽ hoàn thành một bước chuyển giao về mặt xã hội, kinh tế, chính trị đang diễn ra tại Thổ Nhĩ Kỳ trong suốt 15 năm qua".
Theo chuyên gia Zenonas Tziarras, sự thay đổi đáng kể nhất trong hệ thống chính trị lần này sẽ là tổng thống có khả năng điều hành bằng các sắc lệnh và quốc hội đóng vai trò "yếu" hơn. Quốc hội vẫn sẽ duy trì một số quyền kiểm soát, đặc biệt là các sửa đổi hiến pháp, nhưng tổng thống sẽ có quyền chỉ định thẩm phán đối với tòa án hiên pháp, cũng như Phó Tổng thống và các bộ trưởng… Nhà nước có thể mang hơi hướng chế độ chuyên chế, tùy thuộc vào thành phần quốc hội sau bầu cử, xem liệu Đảng Công lý và Phát triển (AKP) và Đảng Phong trào Dân tộc còn duy trì được đa số ghế trong Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ hay không, hay liên minh các đảng đối lập sẽ lên ngôi.
Trước đó, trong cuộc trưng cầu dân ý về hiến pháp năm 2017, phe đồng ý sửa đổi hiến pháp đã giành được 51,5% số phiếu ủng hộ. Kết quả này nhằm gia tăng quyền lực cho tổng thống, sẽ tạo điều kiện cho ông Erdogan tại nhiệm ít nhất đến năm 2029. Bình luận về kết quả trưng cầu ý dân tại Thổ Nhĩ Kỳ, biên tập viên Gerd Höhler của tờ Handelsblatt của Đức từng đưa ra bài viết "Quyền lực tuyệt đối cho Tổng thống Erdogan".
Cuộc bầu cử ngày 24/6 vừa qua cho thấy Thổ Nhĩ Kỳ dưới thời Tổng thống Erdogan sẽ có nhiều thay đổi.