Quỹ Phát triển Quốc tế của Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) đã tổ chức diễn đàn phát triển lần thứ ba với chủ đề "Thúc đẩy khả năng phục hồi và công bằng".
Sự kiện này quy tụ các nhà lãnh đạo chính phủ, người đứng đầu các tổ chức quốc tế và đại diện từ cộng đồng phát triển toàn cầu để đánh giá những thách thức hiện tại và khám phá các cơ hội mang lại sự phát triển công bằng.
Chủ tịch Quỹ Phát triển Quốc tế của OPEC, Abdulhamid Alkhalifa, cho biết, diễn đàn này tạo cơ hội để xem xét kỹ lưỡng cơ cấu tài chính phát triển vào thời điểm quan trọng, kêu gọi thảo luận nhiều hơn về việc tăng cường thể chế, đổi mới cơ sở hạ tầng và đầu tư vào con người để thúc đẩy phát triển toàn cầu.
Tổng thống nước Cộng hòa Sierra Leone Julius Maada Bio phát biểu tại diễn đàn rằng thế giới hiện phải đối mặt với những thách thức nhiều mặt, từ bất bình đẳng kinh tế và biến đổi khí hậu đến khủng hoảng sức khỏe và thiếu hụt giáo dục. Tuy nhiên, những thách thức này cũng mang đến cơ hội để củng cố mối quan hệ đối tác mạnh mẽ hơn và đưa ra các giải pháp đổi mới có thể thúc đẩy tăng trưởng bền vững và toàn diện. Ông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác quốc tế, đổi mới và thúc đẩy đầu tư vào cơ sở hạ tầng, công nghệ và số hóa.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Trung Quốc Liao Min, cho biết, Trung Quốc với tư cách là thành viên của Global South, sẽ tích cực hỗ trợ Quỹ Phát triển Quốc tế của OPEC và các tổ chức quốc tế khác đóng vai trò quan trọng hơn, huy động đầy đủ đầu tư của khu vực công và tư nhân cũng như đóng góp cho sự phát triển toàn cầu và giảm nghèo.
Bên lề diễn đàn, Quỹ Phát triển Quốc tế của OPEC và Chương trình Lương thực thế giới (WFP) của Liên hợp quốc đã đưa ra sáng kiến mới này nhằm huy động 500 triệu USD đầu tư vào năm 2030 để tăng cường hệ thống lương thực thích ứng với khí hậu và cải thiện an ninh lương thực ở những khu vực dễ bị tổn thương nhất trên thế giới.
Quỹ Phát triển Quốc tế của OPEC là một tổ chức tài chính phát triển đa phương hợp tác với các nước đang phát triển và cộng đồng phát triển quốc tế nhằm kích thích tăng trưởng kinh tế và tiến bộ xã hội ở các nước có thu nhập thấp và trung bình trên toàn thế giới.