Vào ngày 3/6, chỉ một ngày sau khi các bộ trưởng OPEC+ nhóm họp, giá dầu Brent hợp đồng giao kỳ hạn sau một tháng đóng cửa phiên giao dịch ở mức 78 USD/thùng, chỉ tăng 2 USD/thùng so với cùng kỳ năm trước.
Hợp đồng dầu Brent giao kỳ hạn sau một tháng có mức giá cao hơn 1,5 USD/thùng so với các hợp đồng giao kỳ hạn sau sáu tháng, giảm so với mức chênh lệch trung bình 2,85 USD/thùng trong các hợp đồng cùng thời hạn giao dịch vào tháng Năm và 4,86 USD/thùng vào tháng Tư.
Sau cuộc họp kết hợp trực tuyến và trực tiếp tổ chức ở Riyadh (Saudi Arabia), OPEC+ thông báo việc cắt giảm sản lượng tự nguyện lên đến 2,2 triệu thùng dầu mỗi ngày sẽ được gia hạn đến cuối tháng 9/2024.
Việc cắt giảm sau đó được loại bỏ dần hàng tháng, bắt đầu từ quý cuối năm 2024 và kéo dài sang ba quý đầu năm 2025.
Mặc dù các bộ trường OPEC+ xác nhận rằng việc tăng sản lượng theo lịch trình định sẵn có thể bị “tạm dừng, hoặc đảo ngược tùy theo điều kiện thị trường”, nhưng với mức tăng khổng lồ - tương đương với khoảng 18 tháng tăng trưởng bình thường của mức tiêu thụ dầu toàn cầu, triển vọng giá dầu giảm là khó tránh khỏi.
Động thái tăng sản lượng theo lịch trình đánh dấu sự thay đổi chiến lược của OPEC+, với sự dẫn đầu của Saudi Arabia, nước trước đây tập trung vào việc giảm lượng hàng tồn kho dư thừa và mong muốn đẩy giá lên tới 100 USD/thùng.
Thay vào đó, OPEC+ đã chuyển trọng tâm sang ổn định hoặc thậm chí là lấy lại một số thị phần đã mất vào tay các nhà sản xuất đối thủ ở Mỹ, Canada, Brazil và Guyana trong hai năm qua.
Trong suốt thời gian Saudi Arabia và các thành viên OPEC+ cắt giảm sản lượng chính thức và tự nguyện. giá dầu vẫn không thể chạm đến ngưỡng kỳ vọng. Trong khi đó, chính động thái này được xem là nguyên nhân khuyến khích các nhà sản xuất có chi phí cao hơn ở Tây bán cầu duy trì và thậm chí tăng sản lượng khai thác dầu đá phiến.
Bằng cách thông báo sẽ tăng sản lượng theo lịch trình, của OPEC+ đã “đánh động” rằng lệnh cắt giảm sản lượng tự nguyện của Saudi Arabia và các đồng minh thân cận là để hỗ trợ giá và không phải là hành động kéo dài vĩnh viễn.
Để ổn định và giành lại thị phần, OPEC+ cần hạn chế tốc độ tăng trưởng sản lượng của các đối thủ và đẩy mức tiêu thụ dầu tăng nhanh hơn. Hai yếu tố này đều cần điều kiện là giá dầu thấp hơn để buộc hoạt động khoan dầu chậm lại, kích thích sử dụng nhiên liệu và “nhường chỗ” cho nhiều dầu thô do OPEC+ khai thác hơn.
Hơn nữa, thông báo tăng sản lượng được OPEC+ được công bố trước còn được xem là nhằm mục đích ngăn chặn sự gia tăng sản lượng khai thác từ khu vực dầu đá phiến của Mỹ, bên cạnh áp lực giá thấp.
Tuy nhiên kế hoạch tăng sản lượng theo lịch trình có thể bị trì hoãn một lần nữa nếu tăng trưởng tiêu thụ dầu không cải thiện, hàng tồn kho vẫn ở mức ổn định và giá cả tiếp tục chịu áp lực.
Nhưng đáng lưu ý là OPEC+ đã báo hiệu một sự thay đổi quan trọng trong định hướng chính sách của tổ chức này. Sau khi tạo cơ hội cho ngành công nghiệp dầu đá phiến phát triển vào năm 2023, OPEC+ đang chuẩn bị siết chặt lĩnh vực này một lần nữa vào năm 2025.