Phóng viên TTXVN tại Trung Đông dẫn nguồn báo chí địa phương cho biết các cựu Bộ trưởng Liban là ông Suleiman Frangieh và Jihad Azour đã chính thức tuyên bố ứng cử Tổng thống 2 ngày trước khi diễn cuộc bỏ phiếu sắp tới tại Quốc hội Liban. Trong một tuyên bố ngày 12/6, ông Azour - cựu Bộ trưởng Tài chính Liban đồng thời hiện là Giám đốc khu vực Trung Đông và Tây Á của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) - nhấn mạnh ông thuộc "trường phái đối thoại và hội tụ", chứ không phải là ứng cử viên thích đối đầu và việc ông ứng cử là nhằm tìm kiếm sự đồng thuận để giúp đất nước vượt qua khủng hoảng. Ông cũng nêu bật sự cần thiết phải hoàn toàn độc lập, thoát khỏi bất kỳ sự can thiệp nào từ bên ngoài, bảo vệ chủ quyền và lãnh thổ, khôi phục uy tín của nhà nước và các thể chế nhà nước.
Đối thủ của ông Azour, ông Frangieh đã chính thức tuyên bố ra ứng cử vào tối 10/6. Ông Frangieh, lãnh đạo Phong trào Marada, nhận được sự ủng hộ của Phong trào Hezbollah, Phong trào Amal và các đồng minh của Marada. Trong các bình luận gần đây, ông Frangieh đã tránh thảo luận về lập trường của mình liên quan đến vấn đề vũ khí và chiến lược phòng thủ của Phong trào Hezbollah, vấn đề người tị nạn Syria và kế hoạch giải cứu nền kinh tế Liban.
Nhiệm kỳ của cựu Tổng thống Michel Aoun đã kết thúc vào tháng 10/2022. Kể từ đó, Quốc hội Liban đã tổ chức 11 cuộc bỏ phiếu để bầu chọn Tổng thống mới, song tình trạng chia rẽ gay gắt đã ngăn cản bất kỳ ứng cử viên nào giành được đủ sự ủng hộ cần thiết để kế nhiệm ông Aoun. Đất nước Liban hiện được điều hành bởi một Chính phủ lâm thời với quyền lực hạn chế. Theo thông lệ, chức vụ Tổng thống của Liban thuộc về người Cơ đốc giáo dòng Maronite, ghế Thủ tướng được dành cho người Hồi giáo dòng Sunni và vị trí Chủ tịch Quốc hội thuộc về người Hồi giáo dòng Shi'ite. Phong trào Hezbollah có ảnh hưởng lớn trong đời sống chính trị ở Liban đã tán thành việc ông Sleiman Frangieh ứng cử Tổng thống.
Cuộc bỏ phiếu bầu chọn Tổng thống mới diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế Liban tiếp tục chìm sâu trong khủng hoảng. Tỷ lệ lạm phát ở Liban trong tháng 4/2023 đã lên tới 269% do đồng Bảng Liban tiếp tục mất giá so với đồng USD. Đây là mức siêu lạm phát tháng thứ 34 liên tiếp ở Liban. Ngân hàng Thế giới nhận định kinh tế Liban đã giảm khoảng 58% trong giai đoạn 2019-2021, với Tổng Sản phẩm Quốc nội (GDP) giảm từ khoảng 52 tỷ USD năm 2019 xuống còn 21,8 tỷ USD năm 2021.