Toàn cảnh thành phố Jerusalem. Ảnh: EPA/TTXVN |
Luật sửa đổi do đảng Ngôi nhà Do thái (JH) cực hữu đề xuất, được thông qua với 64 phiếu thuận và 52 phiếu chống. Luật này quy định chính phủ không được từ bỏ quyền kiểm soát của Israel đối với bất cứ phần đất nào thuộc thành phố Jerusalem nếu không được sự chấp thuận của ít nhất 80 thành viên trong cơ quan lập pháp gồm 120 thành viên. Luật hiện hành quy định số phiếu tối thiểu để thông qua một đề xuất giao quyền kiểm soát phần đất thuộc Jerusalem cho "một bên nước ngoài" là 61 phiếu.
Vấn đề Jerusalem là vấn đề rất nhạy cảm và là trung tâm của cuộc xung đột Israel-Palestine. Israel chiếm đóng khu vực Đông Jerusalem trong cuộc chiến năm 1967, sau đó sáp nhập vùng đất này và tuyên bố toàn bộ thành phố Jerusalem là thủ đô không thể chia cắt của Israel. Cộng đồng quốc tế không công nhận chủ quyền của Israel đối với Đông Jerusalem, trong khi người Palestine xác định Đông Jerusalem là thủ đô của nhà nước Palestine trong tương lai.
Quốc hội Israel thông qua dự luật trên trong bối cảnh căng thẳng gia tăng sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và tuyên bố sẽ chuyển đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv về thành phố này. Quyết định này đã đảo ngược chính sách được chính quyền Mỹ thực thi trong hàng chục năm qua, theo đó quy chế đối với Jerusalem phải được quyết định thông qua đàm phán với người Palestine.
Động thái trên của Tổng thống Mỹ đã vấp phải sự phản đối của nhiều nước và tổ chức trên thế giới trong đó có Liên minh châu Âu (EU), Nga, Trung Quốc, các nước Arab và các nước Hồi giáo, coi đây là một bước đi nguy hiểm đối với tiến trình hòa bình Trung Đông. Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas tuyên bố "Mỹ không còn là nhà trung gian hòa giải" cho tiến trình hòa bình Trung Đông và phía Palestine sẽ không chấp nhận bất kỳ kế hoạch hòa giải nào của Washington.
Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) và Đại hội đồng LHQ đã tiến hành bỏ phiếu về dự thảo nghị quyết kêu gọi Mỹ rút lại tuyên bố công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel. ĐHĐ LHQ đã thông qua nghị quyết với 128 phiếu thuận, 9 phiếu chống và 35 phiếu trắng. Tại HĐBA, 14/15 nước ủy viên đã bỏ phiếu tán thành, trong khi Mỹ đã sử dụng quyền phủ quyết đối với dự thảo này.