Các nghị sĩ muốn thêm các đảm bảo pháp lý chống lại kịch bản ra đi không thỏa thuận, có thể xảy ra vào ngày 12/4, vì vậy, đã soạn thảo một đạo luật buộc các bộ trưởng phải tham vấn quốc hội trước khi bà May đi Brussels.
Nghị sĩ Yvette Cooper, một trong những người chịu trách nhiệm soạn thảo dự luật trên, cho biết: "Hai viện quốc hội đã khẳng định mạnh mẽ quan điểm của mình rằng (kịch bản) không thỏa thuận sẽ hủy hoại nghiêm trọng việc làm, sản xuất và an ninh quốc gia".
Theo kế hoạch, bà May sẽ đến Paris (Pháp) và Berlin (Đức) trong ngày 9/4 để thuyết phục về đề nghị "gia hạn ngắn" thời điểm Anh rời EU (đến ngày 30/6), trước khi chính thức thảo luận với các lãnh đạo EU tại một hội nghị thượng đỉnh đặc biệt ngày 10/4.
Tuy nhiên, theo luật vừa thông qua, chính phủ sẽ phải trình kiến nghị lên quốc hội vào ngày 9/4, trong đó nêu rõ thời điểm Brexit mà chính phủ sẽ đề nghị với các lãnh đạo EU tại hội nghị thượng đỉnh sắp tới. Các nghị sĩ sẽ được bỏ phiếu về kiến nghị này và có thể đưa ra các khuyến cáo về thời gian xin gia hạn.
Thủ tướng May đã đề nghị Brussels kéo dài thời hạn Anh rời EU tới ngày 30/6 để tạo điều kiện cho các cuộc đàm phán với Công đảng đối lập nhằm tìm ra một kế hoạch Brexit mới. Đây là nỗ lực cuối cùng sau khi thỏa thuận Brexit của bà May đã bị hạ viện bác bỏ 3 lần. Tuy nhiên, quyết định sẽ phụ thuộc vào các lãnh đạo EU và thời hạn này có thể sẽ dài hơn.
Việc thông qua dự luật trên được cho là một "đòn giáng" vào quyền lực của bà May, đảo ngược thông lệ lâu nay là chính phủ có toàn quyền đối với chương trình nghị sự tại quốc hội, cho phép chính phủ kiểm soát việc luật nào được thông qua.
Động thái mới này cũng tạo ra một "điểm nóng" khác trong cơ quan lập pháp vốn đang rất chia rẽ ở Anh, có thể hủy hoại các nỗ lực của Thủ tướng May nhằm thuyết phục Brussels rằng bà có thể thuyết phục Quốc hội Anh ủng hộ thỏa thuận Brexit đã nhất trí với các lãnh đạo EU hồi cuối năm ngoái.
Chính phủ Anh cho rằng luật mới có thể hạn chế khả năng đàm phán với EU về Brexit. Chính phủ cũng cảnh báo rằng luật mới được soạn thảo chưa kỹ lưỡng, vội vã trình quốc hội và tạo ra một tiền lệ hiến pháp nguy hiểm. Trong khi đó, các nghị sĩ ủng hộ Brexit cũng kịch liệt phản đối luật này.