“Lập trường của chúng tôi rất rõ ràng. Nếu có một số quốc gia được miễn trừ, chúng tôi muốn có quyền miễn trừ đó. Nếu không, chúng tôi sẽ không ủng hộ các biện pháp trừng phạt. Nhưng tôi không mong đợi sẽ đạt được điều đó dựa trên các cuộc đàm phán vào lúc này”, hãng tin Reuters dẫn lời ông Vassilev phát biểu trên đài truyền hình quốc gia BNT.
Trước đó, các nguồn tin từ EU cho biết Ủy ban châu Âu đã đề xuất những thay đổi đối với lệnh cấm nhập khẩu dầu từ Nga, nhằm giúp Hungary, Slovakia và Cộng hòa Séc có thêm thời gian chuyển đổi nguồn cung cấp năng lượng của mình. Tuy nhiên, Bulgaria vẫn không nhượng bộ và đưa ra yêu cầu được miễn trừ.
Ông Vassilev cho biết rằng Bulgaria cần được miễn trừ vì nhà máy lọc dầu duy nhất của nước này tại cảng Burgas, thuộc Biển Đen, cần thời gian để nâng cấp các cơ sở khử sunfua cần thiết trước khi chuyển sang chỉ xử lý dầu thô không phải của Nga.
Nhà máy lọc dầu Neftochim Burgas, thuộc sở hữu của LUKOIL công ty năng lượng đa quốc gia Nga, là nhà cung cấp nhiên liệu chính ở Bulgaria, quốc gia nghèo nhất trong khối 27 thành viên EU. Hiện tại, một nửa lượng dầu được cung cấp cho nhà máy này đến từ Nga.
“Nếu không được miễn trừ, lệnh trừng phạt sẽ gây ra những rủi ro nghiêm trọng đối với môi ở khu vực Burgas hoặc buộc nhà máy lọc dầu phải giảm công suất hoạt đông. Điều này sẽ khiến thâm hụt nhiên liệu và làm tăng giá nhiên liệu hơn nữa”, ông Vassilev nói.
Hôm 8/5, các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu đã tiến gần hơn đến việc đạt thỏa thuận về gói trừng phạt mới cứng rắn hơn đối với Nga, nhằm đáp trả chiến dịch quân sự của nước này tại Ukraine. Các cuộc đàm phán khác dự kiến sẽ được tổ chức vào hôm 9/5 để tìm cách đảm bảo các quốc gia đang phụ thuộc vào năng lượng của Nga có thể tìm được giải pháp thay thế.
Hungary, Slovakia và Cộng hòa Séc - những quốc gia không giáp biển - đều phụ thuộc lớn vào dầu thô của Nga được vận chuyển qua các đường ống khí đốt thời Liên Xô. Họ đang phải đối mặt với thách thức để đảm bảo nguồn cung thay thế và đã yêu cầu loại bỏ lệnh cấm.
Hãng tin Bloomberg cho hay Hungary cũng đã tiếp tục ngăn EU đạt thỏa thuận về gói trừng phạt thứ sáu đối với Nga, bao gồm lệnh cấm dầu, Thủ tướng Victor Orban nói rằng lệnh cấm dầu sẽ là “quả bom hạt nhân” đối với nền kinh tế nước này và cho biết ông muốn EU cho Hungary 5 năm để thay thế dầu của Nga.
Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto tuyên bố: “Chúng tôi đã bỏ phiếu thuận cho tất cả lệnh trừng phạt cho đến nay, nhưng gói trừng phạt mới nhất này sẽ phá hủy an ninh nguồn cung năng lượng của Hungary”. Hungary cho biết 65% lượng dầu và 85% nguồn cung khí đốt của nước này đến từ Nga.
Trước đó, EU đã áp đặt 5 gói trừng phạt nhằm vào Nga. Đầu tuần trước, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyden đã đề xuất về gói trừng phạt thứ 6, bao gồm lệnh cấm toàn bộ dầu mỏ của Nga, nhưng được thực hiện theo lộ trình. Gói trừng phạt cần được sự đồng thuận của toàn bộ 27 quốc gia thành viên trước khi có hiệu lực.
Trước khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra, châu Âu nhập khẩu 3,8 triệu thùng dầu mỗi ngày từ Nga. Nguồn cung Nga chiếm khoảng 27% lượng dầu nhập khẩu của cả khối. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, doanh thu từ dầu mỏ và khí đốt chiếm 45% ngân sách Nga trong năm 2021. Các chuyên gia cho rằng về mặt lý thuyết, các quốc gia châu Âu có thể thay thế nguồn cung dầu này từ các nhà cung cấp khác ở Trung Đông, Mỹ, Mỹ Latinh hoặc châu Phi. Tuy nhiên, cần có thời gian để thực hiện điều chỉnh đó.